Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ chọn các công việc đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản. Họ cũng ngày càng tích cực hoạt động văn hóa cộng đồng, nhấ t là nhữn t là những xu hướng trải nghiệm văn hóa, trong đó có tìm về với những giá trị xưa cũ thông qua hình thức nghệ thuật mới. Đây là hoạt động ý nghĩa, mang lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo dấu ấn cá nhân người trẻ trong cộng đồng.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Thời gian qua, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc, Nhà sáng lập nền tảng văn hóa nghệ thuật “Lên ngàn”, được công chúng yêu nghệ thuật, đặc biệt là các bạn trẻ, biết đến với những sáng tạo mới mẻ, mang hơi thở đương đại. Với tư duy nghệ thuật sáng tạo Hoàng Anh đã đưa vào tuồng, chèo, ca trù những ngôn ngữ mới của hip-hop, nhạc điện tử. Anh đã thành công khi khiến người lớn tuổi được trở về với những hồi ức xưa, còn người trẻ lại thấy bị thu hút bởi nghệ thuật truyền thống.
Những hoạt động thường xuyên của "Lên Ngàn" nhằm tạo một không gian kết nối di sản nghệ thuật quá khứ với nhịp sống nghệ thuật đương đại, mở rộng ra quốc tế. Ảnh: VOV2 |
Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ: "Để có thể đi được xa, để có thể có một điểm tựa, một niềm tin, thì chỉ có thể đi bằng văn hóa, bằng cái gần gũi nhất với mình. Và mình lựa chọn đó những vấn đề mà mình đau đáu, những câu chuyện về sân khấu truyền thống, về âm nhạc truyền thống, về những biểu hiện cá nhân hay là tính xã hội của nghệ thuật đương đại có thể mang lại. Điều đó đã đã giúp cho mình có niềm tin về phía trước."
Mong muốn và hành động, những không gian nghệ thuật đậm chất truyền thống xen lẫn âm nhạc hiện đại đã được nhóm “Lên Ngàn” của Nguyễn Quốc Hoàng Anh biểu diễn tại nhiều sân khấu sáng tạo, thu hút rất đông khán giả. Tháng 8 vừa qua, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức vở tuồng “Đối diện với vô cùng” của Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Đây là dự án được “Lên ngàn” phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện để thu hút khán giả trẻ.
Các bạn trẻ của Dự án Đối thoại với truyền thống và các nghệ nhân Làng rối nước Đào Thục. Ảnh FB Dự án
|
Điều thú vị của vở diễn là sự đối thoại giữa múa đương đại của phương Tây và vũ đạo truyền thống của người Việt, đặc biệt là của nghệ thuật tuồng. Ở vị trí là Giám đốc nghệ thuật cũng như là người viết kịch bản, tôi muốn thể hiện sự trân trọng dành cho di sản văn hóa bản địa, cụ thể là của nghệ thuật tuồng. Tôi muốn đặt nó sánh ngang cùng với nghệ thuật đương đại phương Tây và cụ thể đây đó là múa đương đại. Chúng tôi nhìn trong truyền thống thấy sự hiện đại. Có lẽ là càng đi sâu vào truyền thống thì chúng tôi càng thấy hiện đại và chúng tôi chợt nhận ra rằng là tất cả những gì chúng tôi muốn tìm kiếm, muốn đổi mới, muốn sáng tạo, thật ra nó đã làm sẵn trong văn hóa Việt Nam, và điều chúng tôi làm, đó là trở về.
Ở góc tiếp cận văn hóa khác, số hóa di sản văn hóa đang ngày càng khẳng định vai trò của 1 phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản phù hợp trong xã hội số hiện nay, góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin, giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, giúp những người ở xa có cơ hội tiếp cận với di sản giống như đang tham quan trực tiếp.
Phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi của tuổi trẻ, các thành viên của Dự án “Đối thoại với truyền thống” đang từng bước góp phần bảo tồn và quảng bá những giá trị của làng nghề thủ công truyền thống tại Hà Nội thông qua hình thức đăng tải những cuộc đối thoại giữa các thế hệ trong 1 làng nghề, qua đó kể lại những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa.
“Đối thoại với truyền thống” là dự án truyền thông cho các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, gồm: làng sơn mài Hạ Thái, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng múa rối nước Đào Thục, làng lụa Vạn Phúc. Dự án được thực hiện bởi VICAS ART STUDIO kết hợp với Câu lạc bộ Di sản kết nối và được hỗ trợ từ Hội đồng Anh thực hiện tại Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội.
Lý Phương Mai, sinh viên năm thứ 4 Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên phụ trách truyền thông Dự án “Đối thoại với truyền thống”, cho biết: "Thông qua Dự án, chúng em muốn tạo ra cuộc đối thoại giữa các thế hệ để chính cộng đồng, chính những người nghệ nhân, những người làm nghề được trao đổi với nhau, bàn luận thêm những thay đổi từ truyền thống tới hiện đại. Chúng em muốn tạo ra những gì gần gũi hơn với bằng cách tạo dựng 1 kho tư liệu để các chuyên gia, các bạn trẻ và những người quan tâm đến văn hóa làng nghề cùng được biết. Dự án bắt đầu với những buổi livestream tại chính làng nghề, cơ sở sản xuất. Mọi người đã có rất nhiều những chia sẻ hay về những công việc thường ngày họ làm như thế nào, sau đó, bọn em quay lại video và không cắt ghép, chia thành các tập nhỏ để đăng lên mạng."
Trên trang fanpage “Đối thoại với truyền thống”, khi xem mỗi video ngắn, công chúng sẽ được đắm chìm trong những ký ức, hình ảnh và âm thanh đặc sắc, được cùng các thành viên của Dự án khám phá và tôn vinh những di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Bạn Trần Minh Hà, thành viên truyền thông Dự án, chia sẻ: "Chúng em muốn làm những sản phẩm liên quan đến văn hóa, khai thác những khía cạnh xung quanh đó để truyền thông đến các bạn trẻ, lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc thông qua những nghệ nhân, giúp mọi người hiểu được những câu chuyện sâu xa hơn."
Nguyễn Quốc Hoàng Anh với nền tảng văn hóa nghệ thuật “Lên ngàn” hay Dự án truyền thông “Đối thoại với truyền thống” chỉ là 2 trong số rất nhiều những cách mà giới trẻ đang thực hiện để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa của dân tộc. Với sự sáng tạo và đầy nhiệt huyết, thế hệ trẻ hôm nay có thể viết tiếp truyền thống bằng những sáng tạo mới.