Nghề cốm Mễ Trì - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Cốm Mễ Trì giờ đây đã được khẳng định và góp mặt vào danh sách ẩm thực không thể thiếu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, trở thành một thứ quà tao nhã nức tiếng gần xa.

Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì đến nay có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Trong làng có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) đều có nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm. Nghề cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào Danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghề cốm Mễ Trì - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1

Nguyên liệu lúa nếp cái hoa vàng

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nguyên liệu làm cốm là hạt lúa nếp. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa cái hoa vàng… Lúa nếp đem về rang chín rồi giã, sàng xảy nhiều lần. Anh Trần Văn Thành, chủ cơ sở sản xuất gốm Thu Huệ, thôn Mễ Trì Thượng, cho biết: “Để làm ra những hạt cốm ngon dẻo thơm, nguyên liệu thóc phải chọn giống lúa non là nếp cái hoa vàng. Rang sao cho hạt thóc đạt độ dẻo, dai. Rang bằng bếp củi nên phải điều chỉnh sao cho lửa vừa để hạt thóc vừa đẹp lại vừa không bị sống, không bị vụn. Thời gian rang khoảng 1h45 phút mới được một mẻ. Một mẻ rang từ 17 đến 18 kg. Công đoạn giã đòi hỏi sao cho hạt cốm vừa mỏng vừa tơi, hạt cốm vẫn giữ nguyên, không bị vụn. Tỷ lệ 10 kg thóc thì được 1,6 - 1,7 kg cốm”.

Nghề cốm Mễ Trì - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2

Cốm và các sản phẩm từ cốm

Đến nay, sau bao thăng trầm, nghề làm cốm ở Mễ Trì đã có nhiều đổi thay. Xưa kia, mỗi năm dân làng chỉ làm cốm vào vụ mùa (tức là vào mùa Thu) thì nay họ làm cốm quanh năm. Sản phẩm từ cốm cũng đa dạng, phong phú theo thị hiếu người tiêu dùng chứ không đơn thuần chỉ có cốm như trước đây. Thay vì làm cốm hoàn toàn thủ công, thì nay các hộ trong làng đã áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào các khâu làm cốm, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cốm. Ông Nguyễn Hữu Cẩn, thôn Mễ Trì Hạ, kể: “Trước kia vất vả làm cốm thủ công phải mất nhiều công đoạn, cần nhiều người. Ngày nay dân làng làm chủ yếu bằng máy móc hiện đại như dùng máy rang, máy say, máy giã, máy vo gạo… Làm máy móc thì giảm được sức lao động, ra sản phẩm nhiều mà sản phẩm vẫn thơm ngon bình thường. Bây giờ sản phẩm từ cốm có nhiều như chả cốm, xôi cốm, giò cốm, bánh cốm… Cốm Mễ Trì bán ra nước ngoài cũng có, có ở nhiều nước rồi”.

Nghề cốm Mễ Trì - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3

Dụng cụ làm cốm

Cốm Mễ Trì khác với các nơi khác là cốm hoàn toàn là cốm mộc, không pha màu, ăn thấy cảm giác thơm ngon, mềm dẻo, bùi. Những hạt cốm đến tay người mua được gói tỉ mỉ bằng lá sen, rồi buộc lại bằng những cọng rơm còn xanh trông rất đẹp mắt. Lá sen tượng trưng cho sự thanh khiết và mùi thơm của lá sen hòa quyện với hương của cốm tạo nên hương vị đặc biệt hơn cho sản vật này.

Người dân làng Mễ Trì rất tự hào khi từng được Tổng thống Mỹ tới thăm. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barck Obama trước khi rời Hà Nội có ghé thăm làng Mễ Trì. Anh Đỗ Huy Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ làng nghề cốm Mễ Trì, cho biết: “Vừa rồi khi có hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chúng tôi quảng bá sản phẩm cốm tươi, xôi cốm, chả cốm.. đến các khu vực như trung tâm hội nghị quốc gia, trung tâm báo chí để du khách nước ngoài thưởng thức. Năm 2012 làng tổ chức Ngày hội văn hóa cốm gây được tiếng vang lớn. Năm 2018 chúng tôi tham gia liên hoan ẩm thực thành phố Hà Nội tại công viên Thống Nhất. Làng chúng tôi có 85 hộ đang sản xuất cốm. Du khách tới làng có thể trải nghiệm nghề làm cốm”.

Cốm Mễ Trì là đặc sản không riêng gì của làng Mễ Trì mà còn là đặc sản của đất Hà thành. Với truyền thống lâu đời, nghề cốm Mễ Trì ngày nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn bí quyết làm cốm mà không nơi nào có được. Cốm Mễ Trì giờ đây đã được khẳng định và góp mặt vào danh sách ẩm thực không thể thiếu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, trở thành một thứ quà tao nhã nức tiếng gần xa.

Feedback