“Mũ Nồi Xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình”

Thiên Hương
Chia sẻ

(VOV5) - Hành trình của người lính Mũ nồi xanh Nguyễn Sỹ Công do nhà báo Nam Kha chấp bút.

“Mũ Nồi Xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình” - ảnh 1

Được ví như Hậu duệ mặt trời phiên bản đời thực, Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hoà bình là cuốn sách được nhà báo Nam Kha chấp bút, qua lời kể của Trung uý Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc Nguyễn Sỹ Công, Công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan, nơi cách chúng ta hơn 8500 cây số, và nội chiến vẫn xảy ra hằng ngày.

Hành trình vì hòa bình của chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan

Chọn lên đường và dấn thân, chàng quân nhân Việt Nam - Trung uý Nguyễn Sỹ Công khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, đã truyền đi cảm hứng về hoà bình và hy vọng. Tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, hành trình của Nguyễn Sỹ Công không chỉ hoàn thành công việc chữa bệnh cứu người mà còn vẽ dáng hình đất nước, mang nụ cười đến cho trẻ em và người dân Phi châu.

Cuốn sách được chia thành nhiều chương, gồm lời kể và hình ảnh về cuộc sống công việc, sinh hoạt của quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ nơi đây.

Nếu đói nghèo và gian khổ chiến tranh mà ông cha ta trải qua đã lùi xa bởi thời gian, thì những câu chuyện của Nguyễn Sỹ Công là minh chứng sống động giúp bạn hình dung rõ nét hơn về cuộc sống nơi chiến tuyến, nơi mọi hiểm nguy luôn rình rập hằng giờ. Ở đó, điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, môi trường, đời sống và sinh hoạt đều thiếu thốn.

Những người lính không trực tiếp cầm súng, họ vẫn có một cách riêng để gìn giữ hoà bình: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần tích cực. Sẽ có lúc, bạn đọc ngời ngời khí thế tự hào khi tác giả kể về hình ảnh lá cờ Tổ quốc: “Một bên để treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, bên còn lại treo lá cờ của Liên Hợp Quốc. Hai lá cờ như một lời khẳng định: Việt Nam là một quốc gia đã từng đi qua chiến tranh và nay sẵn sàng góp sức cùng Liên Hợp Quốc đem hoà bình thật sự đến với các quốc gia còn đang chìm trong khói lửa của bom đạn”.

“Mũ Nồi Xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình” - ảnh 2Trung úy Nguyễn Sỹ Công và trẻ em châu Phi - Ảnh: Báo Thanh niên

“Để thể hiện lòng yêu nước và góp phần làm rạng danh tổ quốc trong lòng bạn bè quốc tế có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất, mỗi cá nhân phải luôn cố gắng chu toàn bổn phận, nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng nhận được sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh. Tôi tin đây cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực và thuyết phục hơn bất kỳ lời mời nào” - Nguyễn Sỹ Công tâm niệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Không ồn ào, không phô trương nhưng vẫn đủ sức nặng để tạo nên những nét chấm phá cho cuộc đời. Chọn lấp lánh theo một cách riêng, hành trình của Trung úy Nguyễn Sỹ Công tiên phong cho một tuổi trẻ dám dấn thân và trải nghiệm vì lý tưởng hòa bình và sự tiến bộ của thế giới. Trong những trang sách, qua lời kể và hình ảnh, nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt anh cùng đồng đội. Tất cả như liều thuốc diệu kỳ, xóa tan những nhọc nhằn và căng thẳng nơi chiến tuyến.

Vẽ dáng hình đất nước với bạn bè năm châu

Giữa bao la xám xịt và đắng ngắt của nghèo đói lẫn nội chiến, bức tranh Châu Phi vẫn lấp lánh hạnh phúc bình dị từ những sứ giả hoà bình Việt Nam. Những anh hùng không mặc áo choàng đã lan tỏa về hình ảnh một Việt Nam kiên cường bất khuất, nhưng cũng rất đỗi thân thương. Trong khu căn cứ, trên những cột cờ hay trong các chương trình thiện nguyện, hình ảnh quân nhân Việt Nam qua mắt bạn bè quốc tế là: Tích cực trong các buổi hội thao, diễu hành quân sự, trao đổi nghiệp vụ, tập huấn chung với các quốc gia khác để học hỏi lẫn nhau…

Qua những câu chuyện và loạt phóng sự ảnh từ Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình bạn đọc sẽ luôn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh, thấy gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười và thấy hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ qua những hành động đẹp. Và ở nơi cách xa hàng vạn dặm, dáng hình đất nước vẫn hiện rõ nét qua những bộ trang phục áo dài, Tết Việt Nam trong căn cứ quân sự, tiếng hô vang “Chào cờ”, những cuộc thiện nguyện ở trường học hay làng mạc vẫn được tích cực thúc đẩy. Sỹ Công cùng đồng đội đặc biệt quan tâm đến những trẻ em, những công dân nhí Nam Sudan.

“Hoà bình không phải là một khái niệm quá xa vời hay lớn lao, nó xuất phát từ những điều bé nhỏ giữa con người với con người hằng ngày. Chỉ cần chúng ta đối xử với nhau bằng tất cả sự chân thành, biết sẻ chia thì sẽ hiểu được nhau, từ đó mới có thể đi chung hướng. Và quan trọng không kém, nếu xem hoà bình là một hạt giống, thì nó nên được gieo vào lòng trẻ thơ. Các em sẽ bảo vệ, chăm sóc hạt giống ấy bằng tất cả sự trong sáng vô vị lợi. Và cứ như thế, hạt giống hoà bình sẽ lớn lên, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác” - Chàng trung uý trẻ bộc bạch.

Nam Kha, người chấp bút cho cuốn sách chia sẻ: “Tôi chủ động nhắn tin liên hệ, mong muốn Sỹ Công kể cho mình nghe nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà người lính mũ nồi xanh phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ xa xôi, cách quê nhà Việt Nam hơn 8.500 ki lô mét. Nghe và ghi chép - trước là để thỏa chí tò mò, thích tìm hiểu khám phá ở vai trò một nhà báo, và sau là viết lại để chia sẻ cho độc giả trẻ khắp nơi, hy vọng sẽ phần nào trả lời được câu hỏi “hoà bình là gì?”, từ đó góp phần hun đúc tình yêu đất nước trong trái tim mỗi người trẻ chúng ta”.

Hành trình của Nguyễn Sỹ Công cũng là hành trình của gần một nghìn chiến sĩ trẻ chọn lên đường và dấn thân, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Cộng hoà Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Hành trang khởi bước là niềm tin, quyết tâm vì sứ mệnh của tổ quốc, nhưng hành trang trở về của những người lính mũ nồi xanh chắc chắn sẽ “nặng ký” hơn bởi tình cảm từ những công dân sở tại cùng bạn bè quốc tế. Trên chuyến bay hồi hương, anh cùng đồng đội đã để lại mảnh đất châu Phi âm sắc tiếng Việt, giai điệu, màu cờ sắc áo và những mến thương “đi dân nhớ, ở dân thương”. Chàng bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một phiên bản khác - trưởng thành và chín chắn hơn.

“Mũ Nồi Xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình” - ảnh 3

Gieo một ước mơ, một lý tưởng công việc hay một cảm hứng sống đẹp từ trang sách vốn là điều không xa lạ. Hành trình trong Mũ nồi xanh Việt Nam: Người đi gieo hạt hoà bình mở ra và truyền cảm hứng đến biết bao thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào. Ở phần kết cuốn sách, chàng trung úy trẻ bật mí đã nhận được quyết định tiếp tục công tác tại Nam Sudan. Một cái kết có hậu nhưng cũng hứa hẹn mở ra hành trình tươi đẹp tiếp theo. Tin rằng, sau khi đặt cuốn sách xuống, sẽ có một thế hệ tân binh tình nguyện đăng ký lên đường, đến vùng tâm bão. Tất cả vì niềm tin vào một thế giới hòa bình trên mảnh đất Phi Châu từ những công dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

“Mũ Nồi Xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình” - ảnh 4

"Mỗi một trẻ em được sinh ra đều có quyền ăn no ngủ đủ, được vui chơi, được học hành… Thế nhưng điều đó không hoàn toàn đúng với bọn trẻ ở Nam Sudan. Với các em bé ấy, mỗi ngày được hít thở khí trời, được ăn uống đầy đủ, được đến trường và vui chơi là điều tốt đẹp nhất rồi. Những việc làm nhỏ của Công như một ngôi sao nhỏ giữa bầu trời đêm, thắp sáng một chút niềm tin, hi vọng vào tương lai sau này của các em.Các câu chuyện cảm động, chân thực đầy tính nhân văn của Công có lẽ phần nào giúp độc giả hiểu được những khó khăn nhưng đầy tự hào, những chuyện vui buồn mà có lẽ nhiều đồng đội của Công cũng sẽ chỉ trải qua một lần trong đời nhưng không bao giờ quên. Cuốn tự truyện này là niềm tự hào về ông cha, anh chị đi trước cho sự cống hiến vào sự nghiệp gìn giữ hoà bình của bộ đội Việt Nam." - Trung tá, bác sĩ khoa sản Bùi Thị Thu Trang, đồng nghiệp Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4.

Feedback