Tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025” và dự kiến xây dựng 38 điểm trên 4 tuyến tham quan toàn cảnh vùng Công viên địa chất gắn với những giá trị tiêu biểu của như di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Bắc Lệ, Đền Mẫu Đồng Đăng, giá trị cổ sinh học tại Mỏ than Na Dương, di chỉ Khảo cổ Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai…
Công viên địa chất Lạng Sơn với tổng diện tích là gần 3.900km2, thuộc phạm vi hành chính của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng. Ảnh: VOV |
Hiện, tỉnh Lạng Sơn đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn, dự kiến vào tháng 11 năm nay sẽ đệ trình lên Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) để công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Về kế hoạch xây dựng 38 điểm trên 4 tuyến tham quan toàn cảnh vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý công viên địa chất Lạng Sơn, cho biết: “Chúng tôi đang xúc tiến với các đơn vị tư vấn để thảo luận về khái niệm tổng quan, tìm ra khẩu hiệu, tên, màu sắc tương ứng, phù hợp với các tuyến tham quan. Chúng tôi cũng xúc tiến thiết kế demo phối cảnh cho các điểm tham quan, giữa các bãi đỗ xe, hệ thống bảng thuyết minh, các điểm check in cũng như các con đường địa chất khám phá ở từng tuyến. Trong năm 2023 sẽ xây dựng 3 trung tâm thông tin về công viên địa chất, trong đó có 2 phòng trưng bày trong nhà và 1 trung tâm dạng bảo tàng thu nhỏ ở ngoài trời”.
Lạng Sơn là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông.... Lạng Sơn cũng được biết đến là vùng đất nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng từ hàng nghìn năm trước hay nền văn hóa Bắc Sơn, đánh dấu quan trọng của khởi đầu “cách mạng đá mới” ở Việt Nam và khu vực Châu Á (khoảng năm 20.000 đến 7.000 năm trước Công nguyên).