Không gian diễn xướng bài chòi ở Hội An

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trong hô, hát bài chòi, anh Hiệu giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là người diễn xướng, cầm trò, điều khiển cuộc chơi và kết nối với khán giả. 

Bài chòi là một loại hình dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng. Xuất xứ từ dân gian, trải qua nhiều thế kỷ, bài chòi ở Hội An dần dần phát triển thành một loại hình nghệ thuật mang tính chất quần chúng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đô thị cổ.

Không gian diễn xướng bài chòi ở Hội An - ảnh 1 Không gian biểu diễn Bài chòi vào các buổi tối ở phố cổ Hội An. Ảnh: Lan Anh/VOV5

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghệ thuật diễn xướng bài chòi xuất phát từ đời sống lao động của người xứ Quảng. Trước kia, người ta dựng chòi canh nương, canh rẫy. Khi canh giữ hoa màu trên chòi gác, trai làng đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò giữa chòi này với chòi khác. Bài chòi gắn liền với đời sống của người lao động, mang hơi thở cuộc sống do vậy cứ vào dịp đầu xuân mới, hội bài chòi được tổ chức từ 30 tháng chạp đến mồng 7 Tết. Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay một khoảnh đất trống, rộng, bằng phẳng. Ở đây, người ta cất 10 chòi tre theo kiểu nhà sàn, cùng quay mặt vào sân chơi. Mỗi chòi chứa 4 đến 5 người chơi. Ông Phùng Tấn Đông, một nhà nghiên cứu bài chòi ở Hội An, cho biết về cách thức của trò chơi bài chòi: “Trong quá trình nghiên cứu bài chòi, tôi thấy đây là một hiện tượng văn hóa rất phức hợp, vừa là trò chơi, có tính may rủi. Có 30 quân bài chia ra làm 2 bộ. Một bộ gọi là bài cái để trong ống trên sân khấu. Bộ còn lại người ta bán cho người chơi trên các chòi. Khi người ta rút tên một quân bài ở bộ bài cái và hô lên. Người chơi nào trúng tên quân bài đó sẽ được nhận một lá cờ. Nếu trúng 3 quân bài thì người chơi sẽ chiến thắng và ván bài chòi kết thúc”.

Không gian diễn xướng bài chòi ở Hội An - ảnh 2

Trong hô, hát bài chòi, anh Hiệu giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là người diễn xướng, cầm trò, điều khiển cuộc chơi và kết nối với khán giả. Sau khi rút một chiếc thẻ bài trong ống tre treo giữa sân khấu, đọc chữ trên tấm thẻ, anh Hiệu cần ứng tác thật nhanh nhạy ngay một câu ca có đề cập tên quân bài đó.

Nghệ thuật độc diễn bài chòi bằng cách hô tên con bài, lối hát đối đáp cộng thêm chút pha trò hài hước của anh Hiệu đã làm nên sức hút và hồn cốt của bộ môn này. Nghệ nhân Phùng Thị Ngọc Huệ cho biết chị mê bài chòi từ nhỏ. Sau này trở thành diễn viên đội thông tin lưu động của Trung tâm văn hóa, thể thao thành phố Hội An, chị vẫn không ngừng học hỏi trau dồi thêm để có những kỹ năng tốt phục vụ cho bộ môn mà chị yêu mến. Mỗi khi làm người cầm trò, hô quân bài, chị đều có ý thức tìm tòi, sáng tạo trong cách diễn để buổi biểu diễn bài chòi được sinh động: “Trong buổi hô, hát bài chòi, nói đến anh Hiệu, chị Hiệu, chúng tôi có thể giao lưu, diễn kịch hoặc trích những đoạn trong vở tuồng cổ để diễn để cho bà con có hứng thú trong trò chơi bài chòi. Chúng tôi cũng có thể ca những câu vè Quảng để lồng vào trong chương trình hô, hát bài chòi”.

Không gian diễn xướng bài chòi ở Hội An - ảnh 3

 Giọng hát ngọt ngào truyền cảm, ứng đối tài tình qua những câu ca dao, bài thơ, bài vè gần gũi với đời thường, ca ngợi tình làng nghĩa xóm hay phê phán những thói hư tật xấu ở đời chính là nét hấp dẫn đối với người chơi bài chòi.

Từ tính chất dân gian, mộc mạc như vậy dần dần bài chòi đã phát triển thành một nghệ thuật quần chúng. Năm 1996, nhà hát nghệ thuật cổ truyền Hội An thuộc Trung tâm văn hóa, thể thao Hội An ra đời là dấu mốc đưa bài chòi Hội An lên sân khấu biểu diễn. Hai năm sau, không gian diễn xướng của bài chòi Hội An được mang ra phố trình diễn trong chương trình “Đêm phố cổ”. Không gian sống này đã tạo nên mối gắn kết đưa bài chòi đến gần với du khách hơn. Hiện nay, vào các buổi tối, bên bờ sông Hoài thơ mộng, gian bài chòi Hội An luôn sáng đèn thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến xem và hòa mình vào cuộc chơi. Ông Trần Đình Châu, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao Hội An cho rằng về thăm Hội An mà chưa nghe bài chòi coi như chưa hẳn đã về Hội An: “Từ chơi bài chòi dân gian, chúng tôi nâng lên trở thành chương trình nghệ thuật dân gian. Bài chòi ra giữa phố có một sự tác động rất lớn. Ở Hội An, loại hình nghệ thuật này đã đi vào công chúng, không những thế hệ người lớn tuổi mà thanh, thiếu niên ở Hội An đều yêu thích bài chòi”.

Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa thế giới của đô thị cổ và phục dựng loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, đến nay, trò diễn bài chòi đã trở thành một điểm nhấn của du lịch phố cổ Hội An. Nghệ thuật bài chòi vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân vừa phô diễn cái đẹp của thẩm mỹ và tri thức dân gian, hình thành nên bản sắc văn hóa của người đất Quảng.

Feedback