Hiệu quả từ cơ chế phối hợp chung khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Dự án “Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh” do tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy triển khai thực hiện được chính thức thành lập từ tháng 1/2015.

(VOV5)Dự án “Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh” do tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy triển khai thực hiện được chính thức thành lập từ tháng 1/2015. Dự án đã tạo ra một cơ chế điều phối các đối tác hiệu quả trong hoạt động khắc phục bom mìn sau chiến tranh, đáp ứng nhu cầu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. 


Nghe nội dung bài viết tại đây:


Mặc dù từ sau ngày giải phóng 1975, Chính phủ và tỉnh Quảng Trị đã bắt tay ngay vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn, nhưng diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn. Cách đây 20 năm, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Quảng Trị tiếp nhận nguồn lực bên ngoài, cụ thể cấp phép cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào địa phương tham gia rà phá bom mìn. Tuy nhiên, do chưa có một cơ chế điều phối chung nên công tác này chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. 


Hiệu quả từ cơ chế phối hợp chung khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị - ảnh 1

Nhân viên đội xử lý bom mìn lưu động RENEW đưa quả bom lên khỏi hố sâu gần 1 mét để vận chuyển về bãi hủy nổ tập trung [Ảnh: Ngô Xuân Hiền/Project RENEW]

RENEW, một dự án của Na Uy đã hoạt động ở Quảng Trị khoảng hơn 15 năm nay được xem là một trong những tổ chức quốc tế hoạt động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Hiền, cán bộ Dự án của RENEW chia sẻ thì từ trước đây, công tác rà phá của tổ chức thường theo yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nghĩa là địa phương yêu cầu rà diện tích bao nhiêu thì đội đến rà toàn bộ diện tích này. Việc này mất rất nhiều thời gian, nhân lực mà hiệu quả không cao vì thường ít hoặc không phát hiện vật liệu nổ. Thêm vào đó, do thông tin tù mù, lại thiếu sự chia sẻ nên đã xảy ra trường hợp tổ chức này rà vào khu vực mà trước đó tổ chức khác đã rà. Vì vậy, việc chính thức ra đời 1 đơn vị đầu mối, 1 cơ chế phối hợp chung trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn được tổ chức này đánh giá rất cao: "Nhờ việc thành lập Trung tâm này nên tất cả mọi tổ chức phi chính phủ đều báo cáo đến Trung tâm đó và phối hợp với nhau. Hiện nay chúng tôi đang triển khai theo hướng không phải là phân vùng hoạt động mà là theo kiểu chuyên môn hóa. Ví dụ dự án Renews mạnh về khảo sát thì chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, còn dự án MAG mạnh về rà phá hiện trường thì sẽ sử dụng những thông tin mà dự án Renews khảo sát được để tiến hành rà phá".

Ngoài RENEW, còn có khoảng gần chục tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác tham gia rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị. Có thể kể đến các tổ chức như MAG của Anh, NPA của Na Uy, CPI của Hoa Kỳ, SODI của Đức, Cây xanh hòa bình của Mỹ. Cùng với lực lượng chính quyền địa phương, sự hợp tác của các tổ chức này đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Đến tháng 7/2015, các chương trình hợp tác quốc tế đã giúp tỉnh Quảng Trị rà phá được gần 9.500 ha, di dời hủy nổ an toàn hơn 395 nghìn bom mìn vật nổ các loại. Tuy nhiên, hiện Quảng Trị vẫn còn số lượng lớn đất đai ô nhiễm bởi bom mìn và vật nổ.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần phải đẩy nhanh tiến độ làm sạch đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, dưới sự tài trợ vốn không hoàn lại của Quỹ Viện trợ nhân dân Na uy, “Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh” được thành lập do Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị trực tiếp quản lý và điều hành. Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cho biết: "Trung tâm có nhiệm vụ chính là điều phối tất cả các hoạt động liên quan đến khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn tỉnh, tránh chồng chéo. Tất cả các tổ chức phi chính phủ chuyển giao toàn bộ quyền quản lý thực hiện, lập kế hoạch cho đối tác địa phương, hỗ trợ tỉnh trong việc thành lập trung tâm dữ liệu, chia sẻ thông tin về bom mìn trên địa bàn".


Hiệu quả từ cơ chế phối hợp chung khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị - ảnh 2

Quản lý Hoạt động Nguyễn Thị Diệu Linh và Cố vấn Kỹ thuật quốc gia Bùi Trọng Hồng dẫn Đại sứ và nhân viên sứ quán đến xem một quả bom bi do đội khảo sát phát hiện trong ngày thứ Hai. [Ảnh: Ngô Xuân Hiền/Dự án RENEW]

Nếu như trước đây, mỗi tổ chức có một số điện thoại đường dây nóng khác nhau ở một địa bàn khác nhau thì nay ở Quảng Trị chỉ có 1 số điện thoại đường dây nóng duy nhất do Trung tâm điều phối hậu quả chiến tranh đảm nhận, đảm bảo bom mìn mà người dân phát hiện sẽ được xử lý kịp thời, trong thời gian nhanh nhất. Ông Nguyễn Thanh Phú, Cán bộ Trung tâm khắc phục hậu quả bom mìn Quảng Trị, cho biết: "Hiện nay, tất cả các hoạt động liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn thì đều có một cơ chế báo cáo, chia sẻ thông tin. Việc truy xét thông tin rất dễ dàng, biết địa điểm thực tế thông qua sự kết hợp các mạng ứng dụng, có tọa độ, địa điểm".

Hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề. Trách nhiệm hiện nay của chính quyền địa phương là rà soát, công bố vùng nào nguy hiểm, vùng nào đã an toàn, từ đó hoạch định chính sách thực hiện rà phá bom mìn và vật liệu nổ. Tuy mới hoạt động nhưng bước đầu Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả bom mìn đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Từ đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận một trường hợp tai nạn nào do bom mìn, vật liệu nổ gây ra. Các trường hợp phát hiện đều được thông báo kịp thời và xử lý an toàn, có sự phân công, phân vùng cụ thể. Thời gian tới, chính quyền đặt mục tiêu, tất cả các khu vực được xác định ưu tiên trên địa bàn Quảng Trị sẽ được rà phá bom mìn, vật liệu nổ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Feedback