(VOV5) - Từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), việc bảo tồn văn hóa ở tỉnh miền núi Lai Châu từng bước được chú trọng, nhiều nét đẹp văn hóa được người dân giữ gìn, tạo ra sự hấp dẫn riêng có của địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hơn 1 tháng nay, cứ vào 19 giờ hàng ngày, tại nhà văn hóa bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, diễn ra lớp học truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Mảng. Lớp học thu hút rất đông người dân tham gia.
Từ vài học viên ban đầu, đến nay lớp học đã thu hút được gần 30 người, trong đó chủ yếu là chị em phụ nữ độ tuổi từ 16 đến 40. Ai nấy đều hăng say, miệt mài học tập với mong muốn lưu giữ được nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
Đặc sắc lễ hội Khèn Mông huyện Nậm Nhùn. Ảnh: VOV |
Học viên Phường Thị Hẹ, 18 tuổi, ở bản Hổi Van, xã Nậm Hàng chia sẻ: "bà con thường đi nương, đi rừng trồng ngô, lúa. Bận rộn nên không có thời gian may vá, thêu thùa, giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình. Tới khi tham gia lớp học, được các giảng viên, nghệ nhân nhắc tới thuật ngữ “văn hóa”, bà con mới hiểu ra văn hóa quan trọng như thế nào với dân tộc mình. Bản thân em là người dân tộc Mảng, em rất yêu quý trang phục của dân tộc mình. Em tham gia lớp học với mong muốn tìm hiểu và thêu được các hoa văn trang phục để sau này tự làm được trang phục cho mình, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Mảng".
Cũng như đồng bào Mảng, từ nguồn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những lớp học truyền dạy văn hóa đã được tổ chức trong cộng đồng đồng bào Thái. Từ các lớp truyền dạy, đến nay đồng bào Thái ở huyện Nậm Nhùn đã lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Nhờ đó, những điệu khắp, đàn tính, vòng xòe, khăn piêu…đã xuất hiện thường xuyên trong nhiều hoạt động cộng đồng ở thôn, bản.
Chị em phụ nữ Mảng ở Nậm Nhùn học làm trang phục truyền thống. Ảnh: VOV |
"Bản Chang là cái nôi bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc Thái của xã Lê Lợi. Bà con nơi đây hăng hái sưu tầm, phục dựng, tập luyện những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống với mong muốn văn hóa dân tộc Thái ngày càng được nhiều người biết đến.
Chị Lù Thị Kiều Thúy, người dân Bản Chang, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, cho biết: "Đội văn nghệ bản Chang chúng tôi thành lập cách đây 5 năm (từ năm 2019) và duy trì đến bây giờ. Đội duy trì tập luyện thường xuyên mỗi tháng từ 1 đến 2 lần. Huyện hỗ trợ các đạo cụ, như: đàn tính, xỏong múa, nón múa nên đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, cũng như đội văn nghệ của bản hoạt động thuận lợi hơn. Đội tích cực học hỏi từ các đội bạn về các điệu múa truyền thống của dân tộc, qua đó bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Thái".
Thực hiện dự án 6 của chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, hơn 2 năm qua, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, nhiều địa phương ở Nậm Nhùn đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết chế văn hóa, phục dựng các lễ hội. Đến nay, huyện đã được hỗ trợ gần 4 tỷ đồng (gần 170 nghìn USD) xây dựng 5 nhà văn hóa bản, hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa tại 7 bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn, cho biết: địa phương hiện có 11 dân tộc, với hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cách đây 3 năm (từ năm 2021), huyện đã tổ chức khôi phục nhiều nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú, Cống, Mảng, Mông... Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, người dân cũng cùng tham gia những hoạt động văn hóa dân gian.
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành chú trọng. Từ đó, nâng cao nhận thức của bà con trong việc bảo tồn văn hoá các giá trị văn hóa của dân tộc. Việc truyền dạy các kỹ thuật tạo hình trang phục cũng như các kỹ thuật đan lát đã giúp việc nắm bắt quy trình cũng như nhận thức của bà con ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, học sinh trong các trường cũng đã hiểu và nắm bắt được tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa để cùng tham gia giữ gìn hiệu quả.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu nói chung và huyện Nậm Nhùn nói riêng có kho tàng văn hóa đặc sắc. Chính sách hỗ trợ về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang giúp chính quyền và người dân nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, tạo ra sự khác biệt để phục vụ phát triển kinh tế.