Góc so sánh hài hước về văn hóa Pháp - Việt dưới con mắt của Eva Nguyen Binh

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Hi vọng là cuốn sách có thể thông tin cho mọi người hiểu rằng, ở Việt Nam là như thế này và đến Pháp phải như thế đấy.

Bà Eva Nguyen Binh là một nhà ngoại giao người Pháp có cha là người Việt. Cùng chồng là cựu đại sứ Pháp Jean Poirier, bà từng sống, làm việc nhiều năm tại Việt Nam với tư cách là Tham tán Hợp tác và hoạt động Văn hóa kiêm Giám đốc Viện Pháp Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu với cả hai nền văn hóa, mới đây bà Eva Nguyen Binh ra mắt cuốn sách “Thanh lịch như người Pháp, hiếu khách như người Việt”.

Góc so sánh hài hước về văn hóa Pháp - Việt dưới con mắt của Eva Nguyen Binh - ảnh 1Cuốn sách tập hợp những khác biệt trong cuộc sống giữa người Phap và người Việt.
- Ảnh Hà Linh 

Với giọng văn nhẹ nhàng, hài hước, cuốn sách tập hợp những quan sát của tác giả về những khác biệt trong cuộc sống hàng ngày giữa người Pháp và người Việt. Nhân dịp, cuốn sách ra mắt bạn đọc, PV Đài TNVN trò chuyện với bà về cuốn cẩm nang khá hữu ích với cả người Việt và người Pháp này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Xin chào bà Eva Nguyen Binh, xin bà cho biết về cuốn sách dày 130 trang có tên gọi là “Thanh lịch như người Pháp, hiếu khách của người Việt’ vừa ra mắt công chúng tại Việt Nam và lý do bà viết cuốn sách này?

Góc so sánh hài hước về văn hóa Pháp - Việt dưới con mắt của Eva Nguyen Binh - ảnh 2 Bà Eva Nguyen Binh và tác phẩm của mình. - Ảnh Hà Linh

Bà Eva Nguyen Binh: Đây là cuốn sách mô tả sự khác biệt trong thói quen, thái độ, tập tục lối sống văn hóa giữa người Pháp và người Việt Nam. Trong đó tôi mô tả về người Việt Nam, người Pháp theo cách hài hước, di dỏm và nhẹ nhàng. Cuốn sách giúp bạn đọc khám phá sự khác biệt để tìm hiểu, tôn trọng và thích nghi. Lý do tôi có dự án sách trước hết là bởi vì tôi có hơn 4 năm làm việc tại Việt Nam từ 2013- 2017. Tôi sinh ra tại Pháp trong một gia đình có bố là người Việt và mẹ là người Pháp. Sống trong môi trường Pháp Việt nên tôi cũng hiểu được sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa. Khi lớn lên làm trong ngành ngoại giao, đi nước ngoài rất nhiều nên tôi nghĩ sẽ rất là hay nếu chúng ta có thể cho nhau thấy sự tương đồng cũng như những khác biệt về văn hóa, để có thể hiểu nhau nhiều hơn.

PV: Vậy hẳn bà đã đi nhiều nơi ở Việt Nam, quan sát rất kỹ rồi suy ngẫm từ những gì bà thấy trong cuộc sống hàng ngày của người Việt phải không?

Bà Eva Nguyen Binh:  Đúng như vậy, không hẳn tôi đã đi hết các nơi nhưng cũng đi rất nhiều. Đó là những quan sát của tôi,và đó còn là những kiến thức tích lũy từ những người bạn của tôi, từ những người trong gia đình nhà nội tôi. Trong cuốn sách, có khá nhiều câu chuyện kể lại như vậy. Tôi viết cuốn sách này khi tôi đang làm việc tại Việt Nam và rất vui bởi vì có được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp người Pháp và Việt Nam. Trong từng chủ đề, từng câu chuyện, họ nghe và khẳng định thích thú đại loại như “Ô đúng rồi, tôi cũng gặp tình huống và thấy như thế”. Rồi chúng tôi chia sẻ nhiều câu chuyện khác nữa. Vì thế, mạch viết của tôi rất dồi dào.

Góc so sánh hài hước về văn hóa Pháp - Việt dưới con mắt của Eva Nguyen Binh - ảnh 3Tác giả đưa ra những so sánh thú vị và hài hước về sự khác biệt  

PV: Như bà vừa nói thì những gì viết trong đó như là cách bà trò chuyện, tập hợp quan sát, so sánh hài hước về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Pháp Việt. Vậy qua cuốn sách, bà muốn gửi đến độc giả thông điệp gì?

Bà Eva Nguyen Binh: Mục đích khi viết cuốn sách này không phải là sau mỗi sự so sánh để nói cách sống của người Việt tốt hơn hay của người Pháp tốt hơn mà tôi muốn truyền tải thông điệp rằng đó chỉ là cách để chúng ta hiểu nhau hơn, tránh những hiểu lầm không đáng có. Bởi trong công việc, đôi khi tôi cũng gặp những hiểu lầm, khó hiểu trong một số tình huống. Cũng dễ hiểu thôi, bởi chúng ta nói khác nhau, nghĩ khác nhau đôi khi có cách làm khác nhau. Vì vậy, điều đó rất dễ nảy sinh những vấn đề trong cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ, chính những sự khác biệt đó mớitạo nên bản sắc văn hóa.

Xin kể một câu chuyện nhỏ làm ví dụ. Một cô bạn Pháp rất đẹp kể với tôi rằng, một hômcô ấy gặp một đồng nghiệp người Việt Nam trong thang máy. Người này nói rằng” “Hẳn ngày xưa chị đẹp lắm nhỉ? Sau kể lại với tôi cô ấy rất "sốc". Bởi vì cô ấy nghĩ rằng nói vậy thì chắc là giờ đây cô ấy đã già và không còn đẹp nữa. Tuy nhiên, trong tình huống đó, người Việt Nam cho đó là người khen bởi nhìn cô ấy bây giờ xinh thế suy ra hồi trẻ thật là đẹp. Bình thường người Pháp không nói thế. Đấy, những lời nói tưởng như vô hại  thế lại dẫn đến sự hiểu lầm. Nếu như cô ấy biết rằng người Việt nói vậy là lời khen thì sẽ cảm thẩy nhẹ nhàng và vui nữa.

Góc so sánh hài hước về văn hóa Pháp - Việt dưới con mắt của Eva Nguyen Binh - ảnh 4Cảm nhận khi đọc cuốn sách của Giáo sư Ngô Bảo Châu 

PV: Những thói quen tốt thì dễ nói rồi nhưng với những gì được coi là chưa đẹp của người Việt và người Pháp nữa thì bà chọn cách thể hiện như thế nào, để tránh sự phật lòng?

Bà Eva Nguyen Binh: Trong cuốn sách, tôi cũng đề cập nhiều thói quen xấu của người Việt cũng như của người Pháp. Tuy nhiên có khi thói quen xấu của người Việt theo cách nhìn của người Pháp hoặc của người Pháp theo cách nhìn của người Việt. Mọi thứ chỉ là tương đối. Như trong lời đề tựa tôi có nói, phép lịch sự hay phong cách chuẩn mực là những vấn đề thuộc phạm trù văn hóa và tùy bối cảnh. Chúng không nhất thiết là tốt hay xấu vì chúng còn tiến triển.

Khi viết cuốn sách này, tôi không có ý phán xét, không đưa ra bài học mà chỉ là cách bày tỏ quan điểm của cá nhân về cách cư xử kiểu Pháp hay kiểu người Việt, trước cùng một vấn đề hay thói quen của người dân mỗi nước. Đôi khi những điều đó được tôi thể hiện bằng giọng điệu giễu nhại nhưng luôn trìu mến và thấu hiểu. Tôi hi vọng cuốn sách được coi là một cuốn cẩm nang nhỏ bé để mọi người hiểu nhau nhanh hơn. Bởi vì, cuốn sách nói về những điều đơn giản nhất của cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng mong là nó đã được thể hiện một cách nhẹ nhàng. Và cuốn sách có thể thông tin cho mọi người hiểu rằng, ở Việt Nam là như thế này và đến Pháp phải như thế đấy.

Khi hiểu được sự khác biệt từ cách ăn uống, làm việc hay đơn giản thể hiện thái độ khi nhận quà…thì người Việt sang Pháp, hay người Pháp, người Châu Âu đến Việt Nam sẽ không bị "choáng". Từ trái tim mình, qua cuốn sách này tôi muốn có thể góp một phần nhỏ bé giúp người dân hai nước Pháp Việt hiểu về nhau hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn về cuộc trò chuyện. Chúc bà sức khỏe và thành công.

Feedback