(VOV5) - Với xu thế phát triển của xã hội, người khuyết tật đang nỗ lực sống hòa nhập với cộng đồng. Họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm... Việc tiến hành cải tạo và sửa chữa công trình công cộng, bảo đảm người khuyết tật tiếp cận và sử dụng là hết sức thiết thực và cần thiết trong việc xây dựng một xã hội không rào cản.
Người khuyết tật cần được quan tâm và chia sẻ khó khăn
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Không gian công cộng cho mọi người trong đó có dành cho người khuyết tật đang là vấn đề cần được quan tâm trong xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thực tế việc thiết kế công trình xây dựng để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm. Tại Khu đô thị mới Nam Từ Liêm, gia đình bà Trần Thị Mai có chồng mới bị tai nạn giao thông nên phải di chuyển bằng xe lăn. Do chung cư không thiết kế đường lên dành cho xe lăn nên lần nào bà cũng phải nhờ mọi người khiêng qua mấy bậc thang mới lên được sảnh vào cầu thang máy. Bà Trần Thị Mai chia sẻ: Tôi nghĩ thành phố cần quy định cụ thể về kết cấu hạ tầng phục vụ người khuyết tật, bắt buộc phải xây dựng những tối thiểu phải có như nhà vệ sinh, bậc lên xuống, tấm lát ở vỉa hè…. Có thể xây dựng công trình hình mẫu cho các công trình khác.
Trên một số tuyến phố ở Hà Nội và các trung tâm giải trí công cộng, vẫn còn nhiều sự bất hợp lý của kết cấu hạ tầng chưa tính đến việc làm vệt dốc hoặc lát các tấm cảnh báo, tấm lát hướng dẫn tại các nút giao thông, lối vào công trình còn chưa thuận lợi cho người khuyết tật. Bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, cho rằng: Thực tế là người khuyết tật càng bị hạn chế nên họ càng không ra đường nhiều, có thể gây ra một sự hiểu lầm cho một số các đơn vị là làm gì có nhiều người khuyết tật đâu mà làm cho họ. Theo tôi, thứ nhất về phía cộng đồng người khuyết tật, nếu thấy có những nơi còn hạn chế về vấn đề di chuyển hoặc khó khăn cho họ tiếp cận thì họ cũng cần báo cáo cho các đơn vị chức năng để họ có trách nhiệm giám sát. Còn đối với các đơn vị triển khai thực hiện cần có các quy định bắt buộc trong các hoạt động xây mới hay đưa vào dịch vụ mới cần có sự tiếp cận cho người khuyết tật ngay từ đầu.
Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, tạo căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Thực hiện Công ước đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, để người khuyết tật có thể tự mình tham gia vào các hoạt động xã hội, được hưởng thụ các không gian công cộng, các nhà kiến trúc, nhà quy hoạch định đô thị cần đề ra các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và thiện chí của các chủ đầu tư khi tham gia vào các hoạt động xây dựng tạo môi trường tiếp cận cho người khuyết tật. Các đô thị Việt Nam ngày càng phát triển không ngừng, việc tạo các không gian công cộng trong các đô thị hài hòa, phù hợp cho nhiều đối tượng trong đó có người khuyết tật sẽ giúp con người gần gũi nhau hơn, tiến tới xây dựng xã hội Việt Nam Giàu đẹp - Công bằng - Văn minh: Hiện tại, trước mắt phải làm ngay những lối vào cho các công trình, ví dụ như trường học, bệnh viện, công viên, vườn hoa, đường phố, vỉa hè, trụ sở Ủy ban nhân dân. Thực ra những cái đó đã có nhiều đề xuất rồi nhưng vướng mắc chủ yếu ở đây là vướng mắc về nhận thức, những người làm tư vấn hoặc quản lý họ không nghĩ đến việc làm cho người khuyết tật nên cũng không nghĩ đến để thiết kế và xây dựng, sau đó các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát, kiểm tra.
Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định trong hoạt động xây dựng trên địa bàn theo pháp luật hiện hành. Tại Hà Nội, Hội Người khuyết tật thành phố đã thực hiện thí điểm sửa chữa cải tạo được 30 công trình gồm: các trung tâm dạy nghề, trường học, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trạm y tế, nhà văn hóa… tại quận Hoàng Mai và các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên và Quốc Oai. Đến nay, các công trình này đang được sử dụng rất hiệu quả. Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, cho biết: Theo Kế hoạch 161 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (kế hoạch về việc thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 – 2020) đến năm 2015 tỷ lệ đạt 50% các công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội sửa chữa để có lối tiếp cận cho người khuyết tật. Chúng tôi đề nghị theo kế hoạch 161, các công trình trên địa bàn Hà Nội nếu không thiết kế lối tiếp cận cho người khuyết tật thì không nên duyệt dự án đó.
Các đô thị Việt Nam ngày càng phát triển không ngừng, việc tạo các không gian công cộng trong các đô thị hài hòa, phù hợp cho nhiều đối tượng trong đó có người khuyết tật giúp con người gần gũi nhau hơn. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng./.