Chợ phiên Bắc Hà từ lâu đã được biết đến là một trong những phiên chợ đặc sắc của tỉnh Lào Cai với đầy đủ những nét văn hóa truyền thống và màu sắc cuộc sống của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, Phù Lá sinh sống ở nơi đây. Đến phiên chợ Bắc Hà, du khách không chỉ được thưởng thức nền ẩm thực phong phú, uống những chén rượu ngô thơm hương đất trời, hay nhấm nháp vị đắng, ngọt thanh mát của những ấm trà hoa tam thất, mà còn được hòa mình vào những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa bản địa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong một gian nhà lớn nhất giữa chợ Bắc Hà, các thành viên của CLB Văn nghệ dân gian Hồng Mi, xã Bản Phố, đang biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Giữa không gian của sắc màu, của mùi khói sáp ong, tiếng sáo, tiếng khèn làm du khách càng thêm mê đắm. Biểu diễn văn nghệ tại chợ phiên Bắc Hà chính là một hoạt động góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây.
Giàng A Hải, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ dân gian Hồng Mi trong tiết mục sáo bầu. Ảnh: VOV |
Anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách đến từ tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Lên đây lần thứ 3, tôi mới tìm hiểu được trọn vẹn văn hóa của chợ Bắc Hà. Cảm nhận về bản sắc văn hóa thì không thể vội vàng có được mà phải từ từ tìm hiểu mới hiểu rõ được bản sắc văn hóa bản địa."
CLB Văn nghệ dân gian Hồng Mi là tiền thân của CLB khèn Mông Bắc Hà do anh Giàng A Hải phụ trách. Quê gốc ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, từ nhỏ, Giàng A Hải đã thiết tha yêu mến bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Giàng A Hải gắn bó, cống hiến trong ngành Văn hóa của tỉnh Lào Cai nhiều năm và hiện nay là cán bộ Đội thông tin lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Bắc Hà. Được hoạt động đúng với sở trường, Giàng A Hải càng nỗ lực hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc Mông của địa phương gắn với phát triển du lịch.
Không chỉ biểu diễn văn nghệ, các thành viên CLB còn giới thiệu cách thêu thổ cẩm cho du khách. Ảnh: VOV |
Anh và 20 thành viên trong CLB, mỗi người một sở trường riêng đã làm cho không gian văn hóa ở đây trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách: "Với sự nhiệt huyết và cố gắng của anh em trong Câu Lạc bộ, chúng tôi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả, du khách. Thực sự đây là niềm vui lớn, động lực lớn để chúng tôi cố gắng."
Hầu hết các thành viên của CLB đều nhỏ tuổi, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của Giàng A Hải, từ chỗ chẳng chẳng biết gì, đến nay các em đều sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc, những bài múa truyền thống và thêm trân quý nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Sau khi cùng các thành viên trong CLB kết thúc bài múa sênh tiền, Vàng Thị Thu Hà cho biết: "Chúng cháu rất yêu thích CLB Hồng Mi, bởi vì ở đây chúng cháu được hoạt động đúng với bản sắc của dân tộc. Từ đây, chúng cháu yêu văn hóa truyền thống hơn và truyền bá tới tất cả mọi người, để cùng đến tham quan và giao lưu với dân tộc chúng cháu."
Nghệ nhân khèn Lý Seo Phỏng là một trong những nghệ nhân cao tuổi của xã Bản Phố, huyện Bắc Hà dù tuổi tác đã cao nhưng ông luôn nhiệt tình, tích cực truyền dạy lại các bài khèn, cách trình diễn nhạc cụ dân tộc cho các thành viên CLB Hồng Mi: "Tôi mong muốn qua CLB này để có thể truyền lại cho thế hệ trẻ, sau này các cháu còn nắm giữ được bản sắc của người Mông chúng tôi".
Giàng A Hải cho biết bên cạnh việc biểu diễn hàng tuần ở chợ phiên Bắc Hà, anh và các thành viên của CLB còn tham gia nhiều chương trình văn nghệ của huyện, giúp các thôn, bản bạn xây dựng các tiết mục biểu diễn, thành lập CLB văn nghệ... để giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống, giúp cho các du khách hiểu rõ hơn về các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc: "Có những tiết mục chúng tôi giao lưu, mời du khách vào nhảy múa cùng. Bản thân tôi thổi sáo, một số bạn khác múa, còn du khách cũng vào múa phụ họa cùng. Những tiết mục như vậy rất hay, vừa có sự gắn kết giữa chúng tôi và du khách, tạo ấn tượng cho du khách khi đến với Bắc Hà".
Giữa núi rừng Tây Bắc, những thanh âm trong trẻo vang cao, vang xa từ chợ phiên Bắc Hà là minh chứng rõ nét nhất cho văn hoá đa sắc màu, là niềm tự hào bao đời nay của đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.