(VOV5) - Tại Việt Nam, ước tính đã có hơn 100.000 nạn nhân do bom, mìn, vật nổ gây ra từ sau chiến tranh đến nay, làm hơn 40.000 người chết, hơn 60.000 người bị thương, trong đó 30% là trẻ em. Từ thực tế đó, việc giáo dục phòng tránh bom mìn tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua đã chú trọng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh. Phóng viên VOV5 ghi lại một buổi giáo dục phòng tránh bom mìn tại trường Trung học cơ sở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
|
Giáo dục thực tiễn giúp các em học sinh hiểu rõ về tác hại bom mìn |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Là một xã giáp biên đời sồng còn nhiều khó khăn, lại chịu nhiều tổn thất do chiến tranh với một lượng lớn bom mình, vật liệu nổ vẫn còn nằm trong lòng đất, khiến cuộc sống của bà con nhân dân xã Quốc Khánh gặp rất nhiều vất vả, thiếu thốn… Tại xã Quốc Khánh đã có 18 người thương vong do bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Chính vì thế, buổi tuyên truyền, giáo dục cho giáo viên và giáo dục học sinh cách phòng tránh bom, mìn, vật nổ tại trường Trung học cơ sở xã Quốc Khánh do Văn phòng cơ quan thường trực, Ban Chỉ đạo “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2015” (Chương trình 504), và Cục Tuyên huấn (Tổng Cục chính trị) tổ chức, đã thu hút hơn 300 học sinh, giáo viên của nhà trường cùng nhiều người dân tham dự.
|
Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn đang giảng dạy về các loại bom mìn cho học sinh |
Tại đây, Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công Binh, đang hướng dẫn cho giáo viên và học sinh cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ. Lớp học diễn ra sôi nổi bởi giáo viên, học sinh và người dân không những nắm được thông tin cụ thể về sự nguy hiểm và tính sát thương, mà còn được trực tiếp quan sát và cách nhận biết thông qua một số hiện vật một số loại mìn, vật nổ thường gặp ở khu vực vùng biên. Em Hoàng Văn Cảnh, học sinh lớp 9B, cho biết qua các phương tiện truyền thông, nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, và ở địa phương có người đã bị thương do mìn, giúp em phần nào biết về độ nguy hiểm của bom, mìn, vật nổ. Em tâm sự: "Qua buổi học, cháu nhận thức được sự nguy hiểm của bom mìn, những tính năng, tác dụng của bom mìn làm hại đến con người. Cháu cũng đã biết cách xử trí khi gặp bom mìn lúc đi rừng, đi làm cùng bố mẹ. Khi phát hiện, cháu sẽ đánh dấu lại và báo cho người lớn hoặc các chú bộ đội. Cháu về sẽ kể cho bố mẹ và người thân trong gia đình và mọi người trong bản để mọi người cùng phòng tránh bom mìn”.
Cô Đàm Bích Hiệp, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Quốc Khánh, cho biết thời gian qua, nhà trường cũng đã tuyên truyền cho thầy cô và các em về sự nguy hiểm của bom, mìn, vật nổ vào buổi chào cờ đầu tuần hay lồng ghép trong tiết giảng giạy môn giáo dục công dân cũng như kết hợp trong các buổi nói chuyện do bộ đội biên phòng tổ chức. Cô chia sẻ: “Các em thường đi chăn trâu, bò, giúp bố mẹ làm nương, rẫy nên đã có lần phát hiện mìn, vật nổ. Nhà trường cũng nói cho các em biết đừng nghịch ngợm và đụng vào những vật đó. Tôi tin rằng, những buổi học như ngày hôm nay, với việc các em và thầy cô được tận mắt chứng kiến hiện vật và sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ, chiến sĩ về hậu quả và cách nhận biết, phòng tránh bom mìn, vật nổ, hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn rất nhiều và các em sẽ có nhận thức rõ nét hơn, có ý thức hơn đối với tác hại bom mìn”.
Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn cho rằng những buổi tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng, vì hậu quả thương tâm do bom, mìn, vật nổ gây nên chủ yếu do nhận thức không đầy đủ. Các em nhìn thấy những quả bom bi, lựu đạn có hình dạng, màu sắc lạ thì hay tò mò và nghịch nên dễ dẫn đến nổ và gây ra thương vong. Do đó, khi các em nắm được thông tin, nhận thức được sự nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của bản thân, gia đình và những người xung quanh thì các em sẽ tuân thủ các biện pháp đã được học để đảm bảo an toàn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Để các em hiểu, nắm rõ tính nguy hiểm của bom, mìn và vật nổ thì chúng ta phải hướng dẫn cho các em biết tại sao chưa nổ, thế nào sẽ gây nổ để các em bớt tò mò. Thứ hai phải gắn với hình tượng dễ nhớ, như việc đặt tên các loại bom mìn là mìn quả dứa, quả ổi… phải là những hình tượng sát với cuộc sống, dễ nhớ, dễ hiểu và sát với cuộc sống để khi các em dễ hình dung. Chúng tôi đã tổ chức đí tuyên truyền ở nhiều nơi như Quảng Trị, Tây Nguyên, ngoài việc trực tiếp giới thiệu thì chúng tôi cũng phát tờ gấp để các em và gia đình nắm rõ hơn về các loại bom mìn cũng như tác hại của nó”.
Hiện nay, giáo dục phòng tránh bom mìn tại các địa phương đã tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức của trẻ em về tác động nguy hiểm và hậu quả của bom mìn và theo nhận xét của các địa phương, thời gian qua, số nạn nhân bom mìn là trẻ em đã giảm đáng kể.
Với tốc độ rà phá như hiện nay cùng diện tích ô nhiệm bom mìn còn rất lớn, theo tính toán phải mất khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại. Chính vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục tác hại của bom mìn cho trẻ em càng trở nên cấp thiết nhằm giúp các em có cơ hội được học tập, trưởng thành cùng sự phát triển của đất nước./.