Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Fidel nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Vừa qua, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba và Tập đoàn Thái Bình Dương phối hợp tổ chức Lễ ra mắt sách “Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cuba (02/12/1960-02/12/2020).

Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên - ảnh 1Cuốn sách dày hơn 300 trang, giới thiệu hơn 30 bài viết, được xuất bản bằng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, mang đến cho người đọc những thông tin hữu ích, những tình cảm thắm đượm tình hữu nghị Việt Nam-Cuba. - Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN. 

Gần 50 năm, hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên từ bên kia bán cầu sải bước và phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trên Cao điểm 241 (Quảng Trị) mãi khắc sâu trong niềm xúc động của bao thế hệ người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết thủy chung, trong sáng, tinh thần quốc tế cao cả, ủng hộ hết mình của Cuba và Fidel đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam và Cuba tuy cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng lòng dân hai nước gần gũi như anh em một nhà”.

Không một đất nước nào trên thế giới như Cuba có hàng trăm nhà máy, trường học và khu phố mang tên các địa danh, các danh nhân, các Anh hùng của nước ta. Những công trình mang tên đất, tên người cả ở Cuba và Việt Nam như Trường tiểu học Bác Hồ ở La Habana, Làng Bến Tre ở Artemisa; Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba ở Quảng Bình, Công viên Fidel ở Quảng Trị…là minh chứng sinh động về mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, truyền cảm hứng, bồi đắp tình cảm gắn bó cho các thế hệ tiếp theo.

Đối với người dân nước ta, những kỷ niệm về Chủ tịch Fidel và đất nước anh em luôn kề vai sát cánh từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt cho đến công cuộc tái thiết đất nước luôn là những ký ức sâu sắc, lắng đọng và bền vững…Điều này thật đúng với ông Phan Văn Quý - Anh hùng  Lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ông là người chứng kiến sự giúp đỡ về vật chất của Chủ tịch Fidel và sau hòa bình là đại biểu tham gia Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 11 tại La Habana…

Thời gian lùi xa, những kỷ niệm ấy luôn ùa về và lắng đọng trong ông, thôi thúc ông ấp ủ ý tưởng xuất bản cuốn sách “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”: “ Tất cả những kỷ niệm ấy luôn luôn thôi thúc chúng tôi phải làm một cái gì đó góp phần thiết thực chào mừng 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cuba. Và ý tưởng xuất bản cuốn sách Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên được ra đời từ đó. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc hai nước, góp phần giáo dục thế hệ mai sau truyền thống uống nước nhớ nguồn”

Chủ đề về Fidel và Cuba, về tình đoàn kết giữa Việt Nam - Cuba không phải là chủ đề mới. Vì vậy, theo Đại tá - nhà báo Nguyễn Duy Tường - TBT Báo Cựu chiến binh Việt Nam - một trong 3 thành viên (trong nhóm) chủ biên cuốn sách, để hạn chế phần nào sự trùng lắp, nhóm biên soạn đã cố gắng khai thác, tiếp cận vấn đề từ những thông tin mới, tư liệu mới; chắt lọc những sâu sắc của Chủ tịch Fidel với Việt Nam trong vô vàn những sự kiện, những tình tiết tôn lên bề dày lịch sử đoàn kết hữu nghị vĩ đại của hai dân tộc, hai đất nước trong 60 năm qua.

Trên căn cốt tư tưởng và nghĩa tình sâu nặng mà lãnh tụ Fidel dành cho nước ta, các tác giả đã tìm tòi, xâu chuỗi những tư liệu, thông tin ở khía cạnh mới, ví như xuất sứ những tuyên ngôn của ông về sự ủng hộ hết mình đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam; những cử chỉ, hành động rất bình dị, đời thường, nhưng thể hiện tấm lòng nhân ái vô bờ bến ông dành cho người dân nước ta… Bên cạnh đó, nhiều nội dung được thể hiện trong cuốn sách, nếu không hoàn toàn mới thì cũng lần đầu tiên được tiếp cận đầy đủ, chi tiết hơn. Đó là chi tiết đoàn chuyên gia Cuba sang khảo sát, nghiên cứu thực địa giúp bộ đội ta mở đường Trường Sơn. Để giữ bí mật đoàn đã lấy danh nghĩa là chuyên gia nông nghiệp, có tên là “Gia đình Lê”. Những chi tiết thú vị này có trong bài viết “Chủ tịch Fidel và Cuba với đường Trường Sơn”. Hay như những câu chuyện bếp núc đằng sau việc xây dựng bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới trong bài “Món quà vô giá của Chủ tịch Fidel Castro”. Tất cả các thiết bị xây dựng và y tế mua từ Nhật để xây bệnh viện có chi phí khá cao, trong lúc đất nước bạn còn nghèo và thiếu thốn nhiều thứ. Qua đó, chúng ta càng cảm phục tấm lòng hào hiệp, cao cả và tình cảm sâu sắc mà Lãnh tụ Fidel và nhân dân Cuba dành cho nhân dân ta…

Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên - ảnh 2Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao tặng sách cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera. - Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN 

Phát biểu tại Lễ ra mắt sách, bà Lianys Torres Rivera - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam cho biết: “Có hai khoảnh khắc trong mối quan hệ của vị lãnh tụ lịch sử Cách mạng Cuba với Việt Nam mãi mãi khắc sâu trong tâm trí và trái tim của người dân Cuba. Đó là khi Fidel nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và khi Fidel đặt chân đến các vùng giải phóng năm 1973, để bày tỏ sự ủng hộ đối với những người cách mạng Việt Nam chống chủ nghĩa đế quốc. Tất cả những biểu tượng này là tinh hoa của tình anh em đoàn kết chúng ta, trong đó Fidel và Hồ Chí Minh là những người viết nên. Cuốn sách “Fidel Castro và Việt Nam, những kỷ niệm khó quên” là nói lên tình bạn đặc biệt ấy. Gần 300 trang sách đưa chúng ta trở lại những sự kiện, giai thoại, nhân vật gắn liền với mối quan hệ của Fidel và Việt Nam. Từ ký ức cá nhân của những người đồng cảnh ngộ với Fidel, người ta sống lại những khoảnh khắc như chuyến thăm Quảng Bình và Quảng Trị, giữa chiến tranh, tình đoàn kết của Cuba trong việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và chuyến thăm Việt Nam năm 1995”

Cùng với những kỷ niệm, những dấu ấn nghĩa tình của Lãnh tụ Fidel và Cuba lưu lại tại nước ta, thì mảng hồi ức của những “người trong cuộc” là những cán bộ ngoại giao, nhà văn, nhà báo…đã từng một thời gắn bó máu thịt với Hòn đảo Tự do, cũng ít nhiều mang đến cho bạn đọc những thông tin mới mẻ, quý giá mà nếu như không kịp thời khai thác, lưu ghi thì rất dễ khuất lấp, mai một bởi thời gian và nhân chứng lịch sử sẽ ngày càng thưa vắng.

Những dòng hồi tưởng xúc động của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Đình Bin mang đến cho chúng ta những hình dung về vị Lãnh tụ của nước bạn thật giản dị gần gũi, chí tình chí cốt. Nó thật sống động qua mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi ánh mắt, mỗi cái ôm hôn.

Không những hàng trăm lần lên tiếng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, Chủ tịch Fidel còn cực lực lên án trước việc 60 vạn quân Trung Quốc ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta; rồi ông khẳng định: “Chúng sẽ phải chịu một thất bại to lớn ở Việt Nam…”.

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba đánh giá cao ý tưởng xuất bản cuốn sách của cá nhân Anh hùng LLVT Phan Văn Quý cũng như sự nỗ lực thực hiện của nhóm tác giả: “Trong tập sách này có nhiều phần mà tôi đọc tôi cảm nhận trong đó những tình cảm rất sâu sắc, cảm động. Gần 300 trang sách nói lên tình cảm sâu sắc của lãnh tụ Fidel và nhân dân Cuba dành cho Việt Nam từ nhiều góc nhìn, qua nhiều giai đoạn. Tôi nghĩ đây là nguồn tư liệu rất quý giá góp phần giáo dục truyền thống, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba cho thế hệ trẻ hai nước”

Cuốn sách là những câu chuyện, những ký ức bình dị nhất, đời thường nhất, nhưng chính nó đã làm nên sự vĩ đại của con người Fidel dưới góc nhìn Việt Nam. Được biết, đây là cuốn sách đầu tiên của các tác giả nước ta viết về quan hệ Việt Nam-Cuba được xuất bản bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha

Feedback