Đọc thế nào? được phát hành vào tháng 3/2022, góp thêm vào tủ sách Khuyến đọc của Nxb Phụ nữ Việt Nam một cuốn sách hướng dẫn gia đình cùng nhau đọc sách.
Vừa mới xuất hiện, Đọc thế nào? đã được độc giả đón nhận nhiệt tình, cho thấy sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là các gia đình trẻ, các thầy cô giáo, đối với việc ĐỌC đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, cuốn sách sắp được in nối bản sau lần in đầu tiên.
Có ai đó từng nói rằng: “Một đứa trẻ ham đọc rồi sẽ là một người trưởng thành biết suy nghĩ”. Nhưng chúng ta nên hướng dẫn, rèn luyện trẻ đọc thế nào đây?
Câu hỏi ấy cứ ở mãi trong đầu Hoàng Anh Đức – một ông bố, đồng thời là nhà giáo dục tâm huyết.
Sau vài tháng, cuốn sách Readology: Đọc thế nào? đã ra đời.
Thoạt tiên, ngỡ tưởng tác phẩm này thiên về tính học thuật, nhưng khi bắt đầu đọc một trang, rồi trang tiếp theo… lại thấy nội dung “thân thiện”, dễ hiểu với văn phong dí dỏm song không thiếu sự khúc chiết, khoa học.
Mở đầu mỗi chương, tác giả mượn lời các danh nhân, học giả như Claude Lesvi-Strauss, D.Vance Smith, Francis Bacon v.v. bình luận về sách cũng như việc đọc sách. Từ đó, anh phân tích dưới góc độ cá nhân, tiếp đến là trình bày những trải nghiệm thực tế với trẻ em – cô con gái đáng yêu của mình!
“Cuốn sách thú vị và độc đáo về việc đọc từ một người cha tâm huyết. Cuốn sách sẽ khiến bạn mỉm cười và nghĩ rằng ‘đọc sách hóa ra không phải chỉ biết đọc là đủ’, mà cũng có thể, ‘chẳng cần phải biết đọc cũng vẫn đủ’.”- Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc CFC Việt Nam
“Khi bé Kiwi nhà tôi 2 tuổi, bạn ấy đã không mấy thích thú những loài động vật dưới nước. Cô bé thích khủng long hơn. Trong khi khám phá thế giới khủng long, cô bé đã phát hiện ra ốc anh vũ - ứng viên mà nhiều nhà khoa học tin là thủy tổ của loài mực hiện đại (...) Toàn bộ tiến trình này không hề được lường trước. Điều mà chúng tôi làm chỉ đơn thuần là lắng nghe cô bé và hỗ trợ con trong suốt quá trình đọc sách. Cuối cùng, khi 3 tuổi, bạn Kiwi cũng đã thiết lập một thói quen mới về việc đọc Bách khoa Hải dương học”.
Nhờ vậy, trong Readology: Đọc thế nào? chúng ta tiếp nhận kiến thức, nhưng không chỉ vậy, chúng ta còn chia sẻ cả tình cảm, cảm xúc nữa:
“Bạn có thể nối mạch tinh thần đọc sách của gia đình mình với những cộng đồng đọc sách khác. Có cả tá những loại hoạt động có thể giúp cải thiện các thói quen đọc, cũng như để dạy cho con trẻ về việc chia sẻ và quan tâm – những hạt mầm để nuôi dưỡng tình bạn trong tương lai của con trẻ”.
Đó là điều quý giá khiến cuốn sách không gây cảm giác “nhắc lại”, “sao chép”.
Kĩ thuật đọc thế nào được Hoàng Anh Đức giới thiệu theo từng cấp độ, chủ yếu xoay quanh đối tượng người-đọc-nhí, dựa trên tinh thần tôn trọng con trẻ, trên nhịp độ khoan thai, nhịp nhàng: đọc sách cùng trẻ sơ sinh và nhũ nhi, đọc sách cùng trẻ ấu nhi, đọc sách với trẻ mẫu giáo...
Bằng kĩ thuật phù hợp, cộng thêm tình cảm, cảm xúc mà chúng ta (và con trẻ, dĩ nhiên!) dành cho những giờ đọc sách, cho không gian đọc sách… thì việc đọc trở thành thói quen, niềm hứng thú hết sức tự nhiên.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả Hoàng Anh Đức còn tiếp tục gợi mở việc kể thế nào, bởi vì đọc và kể dường như luôn song hành, giống như hai khía cạnh nhận và trao: Chúng ta tiếp thu những điều mới mẻ, thú vị, bổ ích dường như là để truyền tỏa các giá trị đó chứ đâu chỉ giữ cho riêng mình...
“Cuốn sách chứa đầy những lời khuyên bổ ích, dựa trên kiến thức và nghiên cứu khoa học, nhưng lại chẳng hề giáo điều, xa cách.” - Thầy Ngô Huy Tâm, Hệ thống trường PTLC Phenikaa