(VOV5) - Tháng 3, Điện Biên rợp trời hoa ban trắng. Và hoa ban được ví như biểu tượng văn hóa, tâm hồn của mảnh đất và con người Điện Biên. Điện Biên địa danh gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa đang trở thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế và “Lễ hội hoa ban khoe sắc” là hoạt động đầu tiên trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, diễn ra đúng ngày mở màn chiến dịch Điện Biên phủ 13/03.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Những ngày này, đất trời Điện Biên, hoa ban nở rộ nhuộm trắng trên những con đường như món quà của mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất lịch sử này. Như một lời hẹn ước, cứ đến dịp này người miền xuôi lại ngược núi đến với Điện Biên để cùng hòa mình vào không khí rộn ràng của điệu khèn, lời ca với người dân địa phương trong Lễ hội hoa ban, sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa, du lịch Điện Biên 2014.
|
Ai đã một lần đến với mảnh đất Điện Biên đều muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của những cánh rừng ban trắng. Hoa ban trắng có ở khắp mọi nơi, không chỉ tô điểm cho đường phố, những ngôi nhà, mà hoa ban còn được các cô gái Thái dùng để làm đẹp khi đi chơi lễ hội. Hòa vào dòng người tham dự lễ hội, Lò thị Phong cùng vài người bạn đang chỉnh lại y phục và giúp nhau cài những đóa ban lên mái tóc đen mượt. Lò Thị Phong, cho biết: Cài hoa ban lên đầu làm cho cô gái Thái càng trở nên duyên dáng hơn. Thường những ngày lễ hội, lễ Tết hay có dịp gì thì em thường cài hoa ban trên đầu. Đối với chúng em đây là một ngày đặc biệt vì là dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đến Điện Biên đúng mùa lễ hội, du khách phương xa còn được hòa mình vào điệu hát giao duyên của người Mông, điệu xòe rộn ràng của những cô gái Thái, phấn khích, tưng bừng reo hò cổ vũ cho những chàng trai người Mông, người Hà Nhi trong các trò chơi kéo co, ném còn, đẩy gậy. Trong ngày hội, những chàng trai, cô gái các dân tộc ở Điện Biên được dịp thể hiện bản sắc văn hóa của mình đến với bạn bè gần xa. Anh Som Tui, lưu học sinh của CHDCND Lào học tại Điện Biên, cho biết: Em rất vui khi được sang Việt Nam du học và được tham dự và giao lưu các môn thể thao truyền thống. Các chương trình rất rực rỡ và đẹp. Trong lễ hội tuần văn hóa du lịch em thấy các dân tộc tỉnh Điện Biên rất có tinh thần đoàn kết, được tiếp xúc với các dân tộc như dân tộc Mông, Khơ Mú, Dao… Rất phong phú, đa dạng, em còn phải tìm hiểu rất nhiều về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc của Việt Nam.
Ném Pao, trò chơi đặc sắc của người Mông cũng thu hút đông đảo người xem cổ vũ. Lầu Thị Dính, người Mông ở huyện Tuần Giáo cho biết: Chúng em ném pao để đi giao lưu với các xã, các huyện khác. Cả xã bạn nữa là 20 người nữ Mông. Rất hồi hộp. Có chương trình thông báo từ trước Tết nên đã chuẩn bị từ trước Tết đến giờ. Chuẩn bị trang phục truyền thống, làm quả pao phải khâu cho đẹp. Trang phục đều mới, tự làm hết, dây thắt lưng tự thêu, áo tự may, khăn tự thêu. Em thấy lễ hội diễn ra là để cho tất cả các huyện khác đến để giao lưu, để biết về bản sắc văn hóa. Đến đây cũng giúp cho mình giữ được bản sắc của mình.
|
Lễ hội Hoa ban còn là dịp để các dân tộc anh em của tỉnh Điện Biên khoe sự khéo léo trong nghệ thuật ẩm thực. Những cô gái người Mông giới thiệu cách làm bánh dầy, mèn mén. Còn ẩm thực của người Thái thì phong phú hơn. Họ mang đến lễ hội những món ăn cổ truyền nhưng hết sức dân dã như món cá nướng, thịt trâu gác bếp, xôi nhiều màu. Đặc biệt món nộm hoa ban của những cô gái Thái ở bản Noong Chứt, thành phố Điện Biên khiến nhiều người bất ngờ. Chị Lò Thị Minh, dân tộc Thái, tham dự lễ hội cho biết hoa ban không chỉ làm đẹp cho những cô gái Thái, tô điểm cho đường phố, những cánh rừng mà còn là nguyên liệu làm món ăn hấp dẫn: Hoa nở rồi ăn ngon hơn còn nụ thì ăn bị chát. Mình ăn được cả cánh và cuống, cả bông hoa đều làm được hết. Món này ăn rất ngon và mát, ăn cùng với món cỏ mần trầu và củ măng, trộn giềng thì rất ngon, rất đặc trưng. Nộm này trộn thêm ớt, muối, mì chính, hạt mắc khén, cho 1 ít mùi tàu vào cho thơm.
Tối đến cả quảng trường của thành phố Điện Biên lại rộn nhịp tiếng nhạc, tiếng hát của đêm hội xòe. Trong ánh lửa bập bùng, khi tiếng nhạc cất lên cũng là lúc các cô gái Thái bắt đầu đắm say trong điệu múa xòe truyền thống. Vòng xòa ngày một rộng ra, những cái nắm tay lại thêm chặt giữa người miền ngược với người miền xuôi. Để rồi khi chia tay Điện Biên, những người khách phương xa sẽ nhớ mãi không quên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cách đây 60 năm và một Điện Biên tràn đầy sức sống nhưng e ấp bên sắc trắng của hoa ban./.