Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từ cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch đến chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, du lịch Việt Nam đang từng ngày hoàn thiện chất lượng sản phẩm du lịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sự hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế và khẳng định thương hiệu điểm đến Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Riêng trong tháng 9, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 1 triệu lượt khách, lượng khách du lịch nội địa đạt gần 58 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 376.000 tỷ đồng.
Các đại biểu đang trao đổi về những điểm nghẽn của du lịch Việt Nam (Ảnh: Báo Lao động) |
Với nỗ lực xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm, lượng khách quốc tếđến Việt Nam trong những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm 2017 của ngành.
Thông thường từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không cao nhưng năm nay lại tăng mạnh. Điều này cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Hội thảo về du lịch ( Ảnh Báo Lao động) |
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng: Từ giờ đến cuối năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tăng, vì vậy, việc xây dựng và phát triển của du lịch cần phải chuyên nghiệp hơn, để cạnh tranh với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Du lịch Việt Nam phát triển vẫn chưa bền vững, tăng trưởng tương đối cao nhưng du lịch nước nhà vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức bởi năng lực cạnh tranh chưa cải thiện được nhiều.Theo đánh giá của Diễn đànKinh tế thế giới giai đoạn 2015-2017, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 8 bậc nhưng vẫn nằm ở nhóm trung bình, xếp thứ 67/136 nền kinh tế. Hạn chế lớn nhất là chất lượng hạ tầng du lịch, chi tiêu của Chính phủ cho du lịch, chỉ số về thị thực (visa) nhập cảnh rất thấp trong ASEAN.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cần phải chuyên nghiệp ở tất cả các khâu, chứ không riêng gì những khâu mà ngành du lịch kiểm soát. Khách quốc tế khi vào Việt Nam trước tiên phải tiếp cận thị thực (visa), sau đó là hàng không, nhập cảnh, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, tham quan, giải trí, ăn uống, mua sắm… Vì vậy, muốn chuyên nghiệp thì tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng này phải được đồng bộ. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng:
" Cần nâng cao nhận thức về sự chuyên nghiệp trong du lịch trên tất cả các lĩnh vực từ người bán hàng rong, xích lô, những người đầu tiên phục vụ khách, tới các cơ quan ban ngành của nhà nước. Riêng ngành du lịch nỗ lực không là chưa đủ. Cần có sự nhận thức đồng bộ từ cấp trên đến các thành phần tham gia phục vụ du lịch, lực lượng an ninh sân bay mới tạo ra hiệu ứng đồng bộ được.
Năm 2016, mặc dù năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp thứ 67/136 quốc gia, tăng 8 hạng so với năm 2015, nhưng du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Trong đó ngành du lịch phải có những giải pháp đồng bộ và ổn định, chú trọng hơn nữa đến quảng bá xúc tiến; Thị thực và Môi trường an toàn - xanh và sạch.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng: "Xây dựng Hội đồng xúc tiến quảng bá Việt Nam theo mô hình quốctế, kết hợp với các nguồn lực các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cùng nhau xây dựng thông điệp cách rõ ràng cho từng thị trường và phát triển một cách hiệu quả.
Chúng ta chia nhóm các thị trường quan trọng, có những thông điệp rõ ràng, có những sản phẩm chúng ta đi vào thị trường đó. Và tìm những kênh hiệu quả nhất để quảng bá và xúc tiến. Trước mắt, chúng tôi hiện tại tập trung nhiều hơn kênh kỹ thuật số, đảm bảo rằng sẽ tiếp cận được nhiều nhất và chi phí thấp nhất có thể.
Hiện các địa phương có điểm đến du lịch đã có bước chuyển mình trong việc quản lý, tạo môi trường xanh, sạch, thân thiện để hấp dẫn du khách; các sản phẩm du lịch không còn gói gọn trong loại hình nghỉ dưỡng mà còn mở rộng sang kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện quy mô lớn...
Bên cạnh đó, những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng quy mô lớn đang triển khai tại nhiều địa phương khác cho thấy du lịch Việt Nam đang bắt kịp xu thế thế giới. Khả năng cạnh tranh cũng từng bước được tăng cường, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại.