"Cây vĩ cầm Ave Maria" của nữ văn sĩ Kagawa Yoshiko, vừa ra mắt bạn đọc, trong tủ sách Wings Books - Thương hiệu sách trẻ của NXB Kim Đồng.
Lấy bối cảnh về cuộc sống của những tù nhân trong dàn nhạc của Đức Quốc Xã, Cây vĩ cầm Ave Maria đã khắc họa chân thực một thời kì lịch sử đau thương của nhân loại, mà ở đó âm nhạc là chứng nhân.
Với quan niệm "hòa bình không gắn liền với hạnh phúc của từng cá thể", cổ vũ các bạn trẻ tìm và hiểu về lịch sử để trân trọng hòa bình và hiện tại, tác giả Yoshiko đã sáng tạo nên câu chuyện về cây vĩ cầm Ave Maria dựa trên những sự kiện lịch sử hoàn toàn có thật xảy ra ở Trại hủy diệt Auschwitz. Với âm nhạc là chất liệu và biểu tượng xuyên suốt, tác phẩm ẩn chứa thông điệp sâu sắc, “Âm nhạc sẽ cứu rỗi con người khỏi trái tim tà ác”.
Tác giả Kagawa Yoshiko chia sẻ, “Chủ đề của tác phẩm này là âm nhạc. Tôi đã viết cuốn sách này với mong muốn, tác phẩm của mình sẽ đem đến một cách nhìn khác về ý nghĩa của văn hoá, xa hơn nữa, tôi mong các bạn đọc có thể cùng suy ngẫm tới sự tồn tại nên có của văn hoá âm nhạc sao cho có ý nghĩa nhất trong tương lai.”
Câu chuyện của Cây vĩ cầm Ave Maria mở đầu bằng cuộc gặp gỡ tình cờ giữa cô bé 14 tuổi Murakami Asuka sống ở vùng ngoại ô Shikoku, Nhật Bản, với cây vĩ cầm phát ra âm thanh kì lạ ở một cửa hàng nhạc cụ. Đó là đồ vật của Hannah Janssen, cô bé người Do Thái từng là thành viên dàn nhạc ở Trại tập trung Auschwitz từ năm 1933. Số phận đã run rủi để Asuka gặp được Paul Kanzas, chỉ huy dàn nhạc người Ba Lan, cũng là người biết được bí mật của cây vĩ cầm Ave Maria. Khi câu chuyện về cây đàn Ave Maria được kể lại, cũng là lúc số phận và cuộc đời của Hannah được hé mở, với tất cả những sự thật tàn khốc và buồn thương nhất... Từ một cô bé người Do Thái có cuộc sống êm đềm, cả gia đình em bị truy lùng, tàn sát. Hannah buộc phải lớn lên can trường, sống sót trong Trại hủy diệt.
Trại tập trung Auschwitz là tên gọi chung của mạng lưới các Trại tập trung và Trại huỷ diệt do Đức Quốc Xã dựng lên tại vùng lãnh thổ Ba Lan bị nước này thôn tính trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trại bao gồm Auschwitz I, Auschwitz II-Birkenau (tổ hợp Trại tập trung và Trại huỷ diệt), Auschwitz III-Monowitz. Trại hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng Năm năm 1940 đến tháng Một năm 1945.
Tác phẩm gồm năm chương, với ngôi kể của nhiều nhân vật khác nhau, mỗi người đều nắm giữ một mảnh ghép tạo nên bức tranh về số phận của cây đàn Ave Maria, của Hannah, Asuka và những người có mối duyên kì lạ với cây vĩ cầm Ave Maria. Đây là cây đàn violin đặc biệt với âm thanh tuyệt diệu được đặt tên theo bản nhạc nổi tiếng cùng tên của Schubert, và cũng vì Hannah đã nỗ lực chơi bản nhạc ấy suốt cuộc đời mình. “Đây không phải là đàn cổ. Đàn chỉ mới được làm gần đây thôi, nhưng một người nghệ nhân với tay nghề bậc nhất thiên hạ đã tốn hai năm để hoàn thành nó với hình dáng như một cây đàn cổ. Nó giống hệt như một chiếc đàn Cremona của thế kỉ mười bảy. Nhưng không chỉ có thế, mặt đàn cong nên cây đàn phát ra âm thanh ngọt ngào thanh thoát như đàn Amati, mà vẫn âm vang vượt trội”.
Trên cây đàn Ave Maria có khắc ba chữ D.B.L, viết tắt của cụm từ “Das Beste Leben”, trong tiếng Đức có nghĩa là “Cuộc đời tuyệt vời”. Nhưng trớ trêu thay, những thanh âm sôi nổi, tươi sáng ấy lại buộc phải vang lên giữa nơi được ví như “địa ngục trần gian”. Hannah và dàn nhạc buộc phải đàn lên những bản đàn để che lấp tội ác.
Người ta không thể nghe quá rõ tiếng gào thét trên những chuyến xe chở tù nhân về phía Trại hủy diệt, phòng hơi ngạt, có lẽ chỉ vẳng lại vài tiếng khóc thảm thương xen giữa những bản nhạc rộn rã tươi vui. Giữa mùi lửa cháy và khói nồng bốc lên che kín một vùng trời Auschwitz, có một dàn nhạc, mà những nhạc công đều phải nhắm mắt, vừa co vai vừa chơi đàn, họ chỉ có thể dừng lại nếu như muốn chết... “Một âm thanh lờ mờ, dịu dàng vang lên, gần như âm sắc của cây đàn quyện lặp lấy nhau. Âm thanh trong trẻo, nhưng sự hoà trộn hai bậc âm khiến tiếng đàn nhuốm màu buồn thương”.
Dịch giả Nguyễn Hồng Vân chia sẻ cảm xúc dành cho “Cây vĩ cầm Ave Maria”: “Chất chứa trong cây đàn violin không chỉ là những thanh âm của âm nhạc đơn thuần mà là cả một dòng chảy thời gian được bao người khắc ghi và trân trọng. Nằm trong hồi ức của người nghệ sĩ già không chỉ là chặng đường đời của một con người mà còn là lịch sử in đậm những giá trị đáng quý của nhân loại. Cuộc gặp gỡ của Asuka với cây đàn và người nghệ sĩ già đã chỉ cho chính cô bé cùng biết bao người thêm hiểu và trân trọng hạnh phúc của đời người. Trên hết, người ta tìm thấy trong câu chuyện của Cây vĩ cầm Ave Maria một cách tiếp cận với lịch sử đầy mới mẻ, một cái nhìn nhân ái về con người và bài học đáng quý về kiến tạo giá trị cho bản thân.”
Soi chiếu lịch sử bằng lăng kính của thời đại, tác phẩm mang đến giá trị nhân văn sâu sắc với hình ảnh biểu tượng của một cây vĩ cầm đã kinh qua ngọn lửa chiến tranh, bị vận mệnh bất hạnh trêu đùa, gửi gắm tình yêu hòa bình, lòng bao dung và niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp của con người.
“Chẳng phải nếu yêu âm nhạc thì sẽ không trở thành kẻ ác hay sao ạ?”
“Asuka, yêu âm nhạc và có âm nhạc trong tim là hai việc khác nhau. Có hàng vạn người yêu âm nhạc. Những người ấy chi phối âm nhạc. Còn chúng ta, chúng ta biết rằng trong từng thanh âm có sự sống. Người chơi đàn nôn nóng thì nhạc cụ ngân lên thanh âm giận dữ. Nếu ta chơi nhạc với trái tim nhân hậu thì âm sắc sẽ dịu dàng đến vô biên. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng âm thanh cũng là cửa sổ tâm hồn đấy. Trái tim ngạo mạn, trái tim tham lam, hay trái tim đố kị, tất cả đều có thể bộc lộ qua các thanh âm. Chúng ta thường xuyên nhìn nhận lại trái tim mình bằng âm sắc.”
Từng đạt giải vàng Huân Chương Sakura, giải thưởng thường niên của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản, năm 2014, “Cây vĩ cầm Ave Maria” đã được chọn làm đề tài cho cuộc thi viết cảm tưởng về các tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên toàn quốc lần thứ 60 tại Nhật Bản.