Bảo tồn di tích 600 năm tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là nơi duy nhất phát hiện gốm văn hóa Chăm Pa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ 15-16.

Ngày 20/4, Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Viện khảo cổ học vùng Nam Bộ công bố kết quả sơ bộ, đề xuất hướng bảo tồn di chỉ Vòng thành đá trắng 600 năm tuổi ở ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. 

Bảo tồn di tích 600 năm tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu  - ảnh 1Khu vực di chỉ Vòng thành đá trắng 600 năm tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đăng Khoa/ VOV 

Theo Sở Văn hoá và thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 6 tháng qua, tại khu đất rộng 4,2 ha ở ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, các nhà khảo cổ đã đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật với diện tích gần 800 m2, phát hiện nhiều loại hình di tích như bếp sinh hoạt; hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào; cùng các di vật gồm đục, dao, liềm, kìm, chì lưới bằng đất nung.

Tại đây cũng có hơn 19.400 mảnh vỡ của các vật dụng sinh hoạt bằng sành, sứ đất nung được tìm thấy. Trong đó, đồ sành Chăm Pa gồm các loại vò, chum, chóe chiếm số lượng lớn, cùng các mảnh vật dụng gốm Chu Đậu (thời Lê sơ) và của Thái Lan.

Nhóm khảo cổ còn tìm được đồ sứ thời Minh (Trung Quốc); nồi, chõ dùng để đun nấu bằng gốm bản địa, cùng các mảnh gốm tương ứng với các di vật thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Trung tâm khảo cổ học, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, trong khu vực có nhiều thành cổ như Gia Định (TP.HCM), Biên Hòa (Đồng Nai)... Tuy nhiên, hiện chỉ có Vòng thành đá trắng là di tích thành cổ ở Nam Bộ còn hiện hữu trên thực địa. Đây cũng là nơi duy nhất phát hiện gốm văn hóa Chăm Pa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ 15-16.

Nhóm khảo cổ cho rằng đây là di tích có giá trị lớn. Các di vật đa dạng cho thấy cư dân vùng này đời sống cao, phản ánh lịch sử của người Việt hoặc Chăm, giai đoạn từ thế kỷ 15-17.

Feedback