Ai vô xứ Huế ai ra Bắc Thành: Cuộc biểu diễn hiếm có giữa các bậc thầy ca nhạc cổ hai miền

Nguyễn Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Lần đầu tiên khán giả Hà Nội sẽ được thưởng thức những bài bản nhã nhạc Huế do chính những nghệ nhân bậc thầy đến từ miền đất cố đô biểu diễn.

Vào tối thứ 7, 20/1/2018 đêm nhạc cổ Ai vô xứ Huế ai ra Bắc thành, sự kết hợp đặc biệt giữa hai nền nhạc cổ của hai miền đất xứ Huế và Bắc thành sẽ là đêm diễn mở màn năm mới 2018 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace).

Xứ Huế và Bắc Thành là hai trung tâm văn hóa của Việt Nam, với những nền âm nhạc đặc trưng tiêu biểu. Huế là đất đế kinh của vương triều nhà Nguyễn, Bắc thành là tên gọi của đất Thăng Long - Đông Đô được đặt ra bởi Gia Long Hoàng Đế vào đầu thế kỷ 19.

Nhã nhạc cung đình Huế đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Ca Huế với hệ thống bài bản cổ điển là một kho tàng giai điệu trữ tình của nhạc Việt. Bắc Thành với sự kế thừa văn hóa của Thăng Long – Đông Đô có vốn cổ âm nhạc đa dạng với các lối hát cửa đình, hát tuồng bắc, hát chèo, hát chầu văn và hát xẩm.

Ai vô xứ Huế ai ra Bắc Thành: Cuộc biểu diễn hiếm có giữa các bậc thầy ca nhạc cổ hai miền - ảnh 1

Đêm trình diễn âm nhạc của hai miền đất văn hiến mang tựa đề “Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành” được lấy tứ từ một câu hát chầu văn cổ ngụ ý hướng đến sự giao lưu hòa hợp của hai miền nhạc cổ của Việt Nam : ca nhạc Huế và ca nhạc đồng bằng Bắc Bộ. Đêm nhạc là một món quà ý nghĩa mừng năm mới 2018 và mừng tết Mậu Tuất của Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace, nhằm giới thiệu tới khán giả Việt Nam và quốc tế những giá trị tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà ở đó nhiều bộ môn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại : nhã nhạc cung đình Huế, hát ca trù, hát chầu văn… 

Câu chuyện âm nhạc của xứ Huế và Bắc thành sẽ được kể bởi những bậc thầy ca nhạc hai miền : giọng ca Huế trữ tình, quyền quý của nghệ nhân Thanh Tâm cùng hòa quyện với giọng ca Bắc phóng khoáng, bay bổng của NSND Thanh Hoài, tiếng hồ xẩm ấm áp của NSND Xuân Hoạch cùng vang vọng với giọng nhị Huế trầm tư của nghệ nhân Trần Thảo…

Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân như : nghệ nhân Thanh Tâm, nghệ nhân Nguyễn Đình Văn, hai cha con nghệ sĩ ưu tú Trần Thảo và nghệ sĩ Trần Diệp (con trai và cháu nội của cố nghệ nhân nhã nhạc Trần Kích, người đã được nước Pháp phong tặng danh hiệu Hiệp sỹ văn học nghệ thuật. Ông nội của nghệ sĩ Trần Thảo đã từng là nhạc công dưới triều vua Khải Định và là người có công đưa đàn bầu vào ca Huế), sẽ cùng đồng tấu những bài bản trình diễn trong Dàn nhạc lễ cung đình : Đại nhạc và Tiểu nhạc. Có thể nói, đây là lần đầu tiên khán giả Hà Nội được thưởng thức những bài bản nhã nhạc Huế do chính những nghệ nhân bậc thầy đến từ miền đất cố đô biểu diễn.     

Khán giả sẽ có dịp thưởng thức ca Huế giữa lòng Hà Nội qua giọng ca quyền quý của nghệ nhân Thanh Tâm, bậc thầy mẫu mực của bộ môn nghệ thuật này. Xuất thân trong một gia đình nhiều đời hoạt động nghệ thuật với cha là Đội trưởng đội tuồng Đại Nội dưới thời vua Bảo Đại, bà đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong đội Ba Vũ của bà Từ cung. Sở hữu một chất giọng có sức cuốn hút độc đáo, với những âm sắc riêng da diết, thâm trầm, bà đã được biểu diễn trước vua Bảo Đại và được nghệ sĩ Tôn Thất Tiết mời sang châu Âu để giới thiệu nghệ thuật ca nhạc Huế vào những năm 90 của thế kỷ XX.   

Phần nhạc cổ đồng bằng Bắc Bộ sẽ được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân của nhóm Đông Kinh cổ nhạc như NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSUT Kiều Oanh, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Mạnh Phóng, NSUT Thúy Ngần, NSUT Kim Liên với các bài tuồng bắc, ca trù, xẩm, chèo cổ, chầu văn.

Đây là cuộc gặp gỡ đầu xuân của những tinh hoa âm nhạc hai miền với các nghệ sỹ, nghệ nhân lão thành thực thụ của từng bộ môn, những người đã cống hiến tài năng nghệ thuật của mình cho việc gìn giữ và lan tỏa âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với khán giả trong nước và quốc tế. Bằng lời ca, tiếng phách, tiếng sênh, chương trình mong muốn đưa lại cho khán giả những cảm nhận chân thật về tiếng nhạc Việt Nam. 

Feedback