(VOV5) - Dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 đã có những đóng góp to lớn, mang tính đột phá về tư tưởng nhân quyền của nhân loại. Trong bài viết đăng trên báo Nhân dân ngày 10/12, nhân kỷ niệm 64 năm ngày ra đời Bản tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12/1948-10/12/2012), tác giả Cao Đức Thái khẳng định như vậy và nêu rõ những đóng góp to lớn mang tính đột phá này thể hiện tập trung trong tư tưởng HCM và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Theo tác giả, lịch sử Việt Nam đã chỉ ra rằng quyền con người ở Việt Nam chỉ có được từ khi nhân dân Việt Nam giành được độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Chủ tịch HCM trong cách mạng tháng Tám 1945. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền công dân và quyền con người của nhân dân Việt Nam đã được trân trọng ghi trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới. Tư tưởng gắn liền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng và đảm bảo đã đi vào Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia, xuyên suốt các giai đoạn cách mạng, từ khi dân tộc Việt Nam giành được độc lập dân tộc đến nay. Tác giả Cao Đức Thái không phủ nhận rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít vấn đề về quyền con người, song ông cũng khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người vẫn thuộc quyền và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Và vì thế, sự áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền nào đó từ bên ngoài sẽ không bao giờ được nhân dân Việt Nam chấp nhận./.