Ưu đãi trong đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Chia sẻ
Tại phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, ngày 9/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo, đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng chế độ ưu đãi đào tạo đối với việc thu hút nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Tại phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, ngày 9/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo, đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng chế độ ưu đãi đào tạo đối với việc thu hút nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ưu đãi trong đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử - ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Khoa học
và Công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ,
tránh đào tạo trùng lặp, lãng phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
- Ảnh: VGP/Từ Lương

 























Triển khai nhiều khóa đào tạo ngắn hạn

Từ đầu năm 2012 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao kiến thức về năng lượng nguyên tử cho 60 cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nguyên tử tại Nga và Hungary.

Ngoài ra, có nhiều khóa đào tạo ngắn hạn với quy mô đào tạo dưới 100 người trong các lĩnh vực lắp đặt thiết bị, hệ thống tự động quản lý và xử lý dữ liệu, công nghệ hóa vô cơ, máy điện, lắp đặt, an toàn phóng xạ môi trường đã được triển khai.

Tuy nhiên, so với kế hoạch chung thì công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện và triển khai các khóa đào tạo nhân lực về năng lượng nguyên tử được nêu lên tại cuộc họp là: việc xác định nhu cầu đào tạo dài hạn, ngắn hạn  vẫn mang tính chung chung, chưa xác định rõ những cơ quan cần đào tạo những chuyên ngành gì, mức độ nào, thời điểm nào, thực hiện thế nào để nhanh chóng đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu những chính sách đặc thù, cơ chế đãi ngộ đặc biệt để thu hút được các chuyên gia và sinh viên giỏi tham gia lâu dài trong lĩnh vực rất mới và đặc biệt này.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục gửi cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn trong 8 lĩnh vực liên quan đến năng lượng nguyên tử: Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Liên bang Nga cho Việt Nam; Báo cáo phân tích an toàn; Thiết kế nhiên liệu và quản lý chất thải phóng xạ; Vật lý lò phản ứng và các chương trình tính toán; Quan hệ công chúng; Thiết bị đo lường và điều khiển lò phản ứng hạt nhân; Phân tích an toàn thủy nhiệt cho lò VVER.

Trong năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức 10 khóa đào tạo chuyên ngành cho cán bộ các cơ quan nghiên cứu triển khai và cơ quan quản lý ở trong nước về năng lượng nguyên tử.

Đẩy nhanh đề án phát triển nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc triển khai quá chậm kế hoạch thực hiện đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xem xét việc Đại học Điện lực được tham gia vào chương trình đào tạo tiên tiến. Trong tháng 8/2012 có báo cáo bằng văn bản để làm căn cứ triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần nâng cao sự phối hợp chặt chẽ trong các công tác xây dựng văn bản pháp luật, quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh đào tạo trùng lặp, gây lãng phí.

Trong tháng 8/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu đãi đào tạo đối với việc thu hút nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để có thể ban hành trước ngày 15/9/2012.

Theo chinhphu

Feedback