Trung Quốc không thể làm thay đổi vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5)- Việc Trung Quốc mở rộng, bồi đắp quy mô lớn trên các bãi đá ở Trường Sa đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông.

(VOV5)- Việc Trung Quốc mở rộng, bồi đắp quy mô lớn trên các bãi đá ở Trường Sa đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông.

Sáng nay, 18/11, tại Đà Nẵng, ngày làm việc thứ hai của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6, các đại biểu thảo luận các chủ đề “Quan hệ Quốc tế và trật tự ở biển Đông” và “Luật pháp Quốc tế: Đất liền, đại dương và bầu trời”, các học giả nhận định có bốn nhân tố tác động đến tình hình Biển Đông gần đây. Đó là sự thay đổi trong tính toán của một số nước về lợi ích chiến lược của các bên; Sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở một số bên tranh chấp; Sự cạnh tranh ảnh hưởng và tập hợp lực lượng giữa các cường quốc và sự bất đồng trong việc việc lý giải và áp dụng luật pháp quốc tế tại Biển Đông, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nhiều học giả cho rằng sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng bán quân sự và lực lượng phi chấp pháp tại Biển Đông là một trong những nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng tại khu vực này. Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở rộng, bồi đắp quy mô lớn trên các bãi đá ở Trường Sa đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông. Tiến sĩ Hoàng Việt, giảng viên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, nhận định: Nhiều thực thể địa lý, cấu trúc địa lý trên Hoàng Sa và Trường sa chỉ là bãi đá hoặc bãi nửa nổi nửa chìm nhưng quan điểm của Trung Quốc họ nói rằng đảo đã có người ở và nó sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nếu Trung Quốc cải tạo được bãi đá này thì họ có được tàu sân bay và mục tiêu khống chế được Biển Đông là rất lớn. Khi họ cải tạo được những thực thể địa lý này thì họ có thể sẽ tiến tới tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên khu vực Trường Sa và Biển Đông này.
  

Trung Quốc không thể làm thay đổi vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông - ảnh 1
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo (Ảnh: Thanh Hà)


 Trong khi tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết, các nước sử dụng công trình nhân tạo, qua đó, đưa yêu sách sẽ làm phức tạp thêm tình hình. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: Các đảo nhân tạo chỉ có vùng biển an toàn tối đa 500 mét. Giáo sư Kuan Hsiung Dustin Wang, Đại học Đài Loan, khẳng định: Trung Quốc sẽ xây dựng để biến những đảo nhân tạo này thành nới có khả năng cho người cư trú trên biển. Tuy nhiên theo Tiến sĩ James Charles Kraska, Trung tâm Nghiên cứu luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, dù Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, đưa ra yêu sách phi lý về đường 9 đoạn, cũng không thể làm thay đổi quyền hợp pháp của Việt Nam đối với Vùng đặc quyền kinh tế./. 

Feedback