(VOV5) - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trong mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 29/6.
|
Bộ trưởng Nguyễn Quân |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân nông dân, ngư dân, những người vốn không quen với các phương tiện hiện đại, ngày càng cảm nhận rõ sức ép của việc thiếu kiến thức khoa học, công nghệ và việc chưa tiếp cận được các quy trình chế biến, bảo quản tiên tiến dẫn đến chất lượng, giá trị nông sản thấp. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu. Cách đây hai năm, Bộ tiếp nhận một công nghệ do Đại sứ quán Việt Nam và đại diện của Bộ tại Nhật Bản làm đầu mối chuyển giao. Đó là công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương cũng như các loại thủy hải sản khác trong thời gian lâu dài mà vẫn giữ nguyên được chất lượng như khi mới đánh bắt. Hiện công nghệ này đã thí nghiệm thành công với cá ngừ, tôm sú và một vài loại nông sản khác, nhưng để áp dụng được thì còn phải tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản. Trước mắt, Bộ hợp tác với tỉnh Phú Yên, sẽ xây dựng một nhà máy bảo quản cá ngừ cho ngư dân ở Phú Yên và Bình Định.
Liên quan đến công nghệ chế biến tỏi trắng thành tỏi đen, Bộ trưởng cho biết việc chế biến hiện nay Học viện Quân y đã làm chủ công nghệ chế biến này và sẵn sàng chuyển giao nếu bà con có nhu cầu. Về bảo quản hoa quả, nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Bộ đã có chương trình hợp tác với Nhật Bản về bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, trị giá gần 1 triệu USD. Đó là công nghệ CAS (Hệ thống tế bào còn sống) của Nhật Bản để sử dụng trong bảo quản những sản phẩm hải sản, nông sản hàng hóa xuất khẩu./.