(VOV5) - Những quy định về quản lý dân cư của Thủ đô là nội dung quan trọng nhất được các đại biểu Quốc hội bàn thảo tại tổ chiều 27/10 khi thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô.
Các ý kiến cho rằng Thủ đô Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành, do đó phải thắt chặt hơn nữa đối với việc cấp hộ khẩu, đăng ký thường trú tại Hà Nội. Ngoài các trường hợp chuyển hộ khẩu theo chồng hoặc vợ, công dân muốn được đăng ký thường trú ở nội thành thì phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên.
Các ý kiến thảo luận cũng nhấn mạnh Luật Thủ đô cần được thông qua càng sớm càng tốt, để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới. Điểm mới trong dự thảo Luật Thủ đô chỉnh lý lần này là bổ sung quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù để tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai. Ông Nguyễn Hồng Sơn, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đánh giá: Luật Thủ đô lần này đã chuẩn bị kỹ càng, công phu, hoàn chỉnh và đặc biệt là đã bám chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng bằng Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và bằng Hiến pháp. Đặc biệt, Luật đã kế thừa những điều quy định trong Pháp lệnh Thủ đô.
Sáng cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi).
Để quản lý tốt hoạt động in ấn xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in giả, in lậu, các ý kiến cho rằng việc cần phải có quy định cụ thể về đối tượng thành lập nhà xuất bản, giao cho Chính phủ quy định thành lập nhà xuất bản. Hoạt động xuất bản ở các địa phương cần được phân cấp mạnh hơn, nhiều hơn, để hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, phải bổ sung chế tài xử phạt, tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm Luật Xuất bản, nhất là việc in giả, in lậu. Riêng đối với lĩnh vực xuất bản điện tử, các ý kiến đề xuất nên có một Chương riêng về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử vì đây là lĩnh vực có xu thế phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bà Trần Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, nêu ý kiến: Quan điểm của tôi là chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc đối với hoạt động xuất bản điện tử và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Trong quá trình đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước để quy định linh hoạt, đáp ứng với yêu cầu hiện nay.
Đối với liên kết xuất bản, các ý kiến cho rằng luật cần cụ thể hơn, đặc biệt nhấn mạnh vào trách nhiệm của nhà xuất bản, cơ quan chủ quản nhà xuất bản./.