Quốc hội thảo luận về dự Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) là hai dự án Luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 8/11.
(VOV5) -  Dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) là hai dự án Luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 8/11.


Quốc hội thảo luận về dự Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai - ảnh 1

Đại biểu Danh Út: - Đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang (Ảnh: CAND)


Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề vì tác động của biến đổi khí hậu. Theo thống kê, hàng năm thiên tai gây thiệt hại từ 5 - 10% GDP. Vì thế, các đại biểu khẳng định Quốc hội cần phải sớm ban hành Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 (tháng 5/2013), Chính phủ sẽ trình Quốc hội Đề án quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các ý kiến nhấn mạnh Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cần phải bám sát và phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.


Để giảm thiểu tối đa thiệt hại mà thiên tai gây ra, các đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ngoài việc chuẩn bị kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, còn phải có lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp: Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra quy định từng bước xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, đủ trang thiết bị, phương tiện. Thủ tướng Chính phủ cũng ra quy định thành lập các Sở phòng cháy chữa cháy của địa phương kiêm luôn nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Chính phủ nhìn hướng đi dài hạn, từng bước xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp thì mới có thể bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thiệt hại.

Thảo luận về việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, các ý kiến cho rằng cần phải sửa theo hướng coi phát triển khoa học công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững, để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khi điều kiện cho phép thì tăng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mức 2% như hiện nay là cần thiết để thúc đẩy hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ.

Trước đó, buổi sáng, thảo luận ở hội trường về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013, các ý kiến đề nghị phải tập trung giám sát vào các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, vốn ODA, các công trình trọng điểm quốc gia. Ông Trương Văn Vở, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, góp ý: Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nói chung và của cơ quan Quốc hội, tôi đề nghị quan tâm giám sát tại cơ sở và phải thu thập được ý kiến của nhân dân. Vừa qua hoạt động giám sát chủ yếu qua báo cáo, nên chất lượng, nội dung giám sát không sâu. Thành phần đoàn giám sát phải đủ, đúng, xuyên suốt. Về chuyên đề giám sát nên cân đối giữa các lĩnh vực. Tôi đề nghị quan tâm số một là chuyên đề thể hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, chuyên đề thứ hai cũng rất quan trọng là giáo dục.

Cũng trong sáng 8/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Trong số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đáng chú ý là tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP 5,5%, nhập siêu 8%, xuất khẩu tăng 10%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động./.

Feedback