Nhiều đoàn thể, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan phi pháp

Chia sẻ
(VOV5)- Nhiều đoàn thể, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài bày tỏ bất bình trước hành động vi phạm, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế của Trung Quốc.

(VOV5)- Nhiều đoàn thể, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài bày tỏ bất bình trước hành động vi phạm, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế của Trung Quốc.


Sáng nay (11/5), tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ra Tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo đó, Tổ chức này yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực, đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này và chấm dứt không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai. Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt nam, nêu rõ: “Đối với mọi quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Muốn có hòa bình, ổn định giữa các dân tộc phải có sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chúng tôi ủng hộ chủ trương và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp bằng các biện pháp hoà bình, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông và các thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Chúng tôi kêu gọi dư luận yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, chấm dứt các hành động đơn phương đe doạ hoà bình, ổn định và an ninh trong khu vực.”

 

Nhiều đoàn thể, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan phi pháp - ảnh 1


Người dân thành phố Hồ Chí Minh mít tinh phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đề nghị các tổ chức của Trung Quốc hoạt động vì hòa bình và phát triển, mọi người dân Trung Quốc có thiện chí và lương tri tích cực đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc giảm căng thẳng tình hình hiện nay.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hôm qua ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có hành động uy hiếp các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, đe dọa các tầu làm nhiệm vụ của Việt Nam. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng đây là hành động vi phạm thô bạo của Trung Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây cũng là hành động vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2002 và không tôn trọng những cam kết mà lãnh đạo cao cấp hai nước đã nhiều lần khẳng định. Hành động nguy hiểm trên đây của Trung Quốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông liên quan đến lợi ích của các nước Đông Nam Á và thế giới. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 cùng các loại tầu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để khôi phục tình trạng hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm qua cũng yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Phát biểu tại buổi họp báo tối 10/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2014, khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các vị chư tôn giáo phẩm, các vị đại biểu Phật giáo, tăng ni, Phật tử, các bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên tiếng phê phán hành động hoàn toàn sai trái nêu trên của phía Trung Quốc.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu gửi thư tới Chủ tịch Hội Nhà báo toàn Trung Quốc, kiên quyết phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương- 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương-981 và các phương tiện hộ tống khỏi vùng biển của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự.

Cũng trong ngày 10/5, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Mít tinh phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Hải Dương - 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tham dự có khoảng 1.000 người gồm các giới: Nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, văn nghệ sĩ, sinh viên các trường đại học, thanh niên thành phố... Anh Phạm Đức Lộc, người dân quận Gò Vấp, bày tỏ: Tôi thấy Trung Quốc đem giàn khoan vô biển Đông vào lãnh hải của nước mình mà báo chí đã đề cập thì chúng tôi rất bất bình. Chúng tôi yêu nước và quyết đóng góp công sức của mình để bảo vệ đất nước. Chúng đi diểu hành như thế này rất ôn hoà và muốn tỏ quan điểm yêu nước không kích động không khích bác để cho cả thế giới và Trung Quốc thấy được lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam và nhiệt huyết của thanh niên chúng tôi.

Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cũng ra Tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng và thực hiện đúng thỏa thuận lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, không để những hành động xâm phạm tương tự tiếp tục xảy ra.

Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Thuận, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định cụ thể thềm lục địa của quốc gia có biển. Vì vậy, việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương- 981 là hoàn toàn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Luật sư Nguyễn Thuận khẳng định: Trung Quốc đặt giàn khoan đó nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Như vậy là vi phạm rất trắng trợn các điều khoản quy định rất cụ thể: Một quốc gia khác không thể đem giàn khoan đến đặt ở một quốc gia được.

         

Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga vừa công bố Thư ngỏ, thể hiện quan điểm, lập trường của đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đối với việc Trung quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cực lực lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD 981 và các tàu khỏi vùng biển của Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga cũng bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và của Nhà nước, truyền thống và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ông Trương Quang Giáo, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, cho biết: “Tôi là một sử gia, tôi rất biết giới hạn của nó là thế nào thế mà chỉ dựa trên sức mạnh và lực lượng của mình mà áp đặt, mà xâm chiếm… dựng cả giàn khoan vào loại hiện đại nhất hiện nay. Tôi hy vọng, với lòng quyết tâm của các chiến sỹ hải quân Việt Nam, của cả dân tộc VN phải đưa vấn đề này ra quốc tế, bởi vì đây không phải là vấn đề tình cảm mà là vấn đề của luật pháp. Tôi rất phẫn nộ và mong là nhân dân thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam, chúng ta sẽ thắng”.

Ngày 10/5, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt (BVFS) Len Aldis đã gửi thư tới Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh và Bắc Ai-len Lưu Hiểu Minh, bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến hiện nay trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương -981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.Theo Tổng Thư ký BVFS, nhiều nước và tổ chức đã lên tiếng phản đối Chính phủ Trung Quốc, yêu cầu nước này rút giàn khoan Hải Dương -981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này. Và thay mặt BVFS, ông Aldis kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương -981 cũng như các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ông Aldis cũng bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam.

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp, cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Đây đồng thời là một bước đi nữa của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến lược nhằm hiện thực hóa tham vọng về "đường lưỡi bò 9 đoạn” ở Biển Đông.Tướng Daniel Schaeffer nhấn mạnh: Đây là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện suốt từ năm 2006 đến nay, để bằng sức mạnh buộc các nước trên thế giới phải công nhận về sự tồn tại của "đường lưỡi bò", rằng vùng biển ở trong "đường lưỡi bò" là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc có các quyền trong vùng biển này. Hành động này của Trung Quốc cộng thêm vào các hành động bá quyền trước đây mà chúng ta có thể điểm ra như việc nước này "tự khoanh" một vùng rộng lớn bao phủ gần hết Biển Đông để cấm tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản, buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải hủy các hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí đã ký với Việt Nam và Philippines trong khi Trung Quốc lại tung ra các gói thầu nhằm hợp tác với các công ty nước ngoài để thăm dò và khai thác dầu khí tại 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng thực hiện nhiều hành động gây căng thẳng ở phía Nam Biển Đông, tại khu vực bãi ngầm James Shoal, bãi cạn Luconia...”

 

Ông Daniel Schaeffer cho rằng dù với lý lẽ gì đi nữa, việc Trung Quốc đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" cũng là hành động vi phạm luật quốc tế.

Trang ngôn luận “The Interpreter” của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney , Australia ngày 9/5 đăng ý kiến của học giả Julian Snelder, cho rằng các chính trị gia Mỹ lo ngại trước những mối đe dọa về kinh tế và chính trị do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gây ra. Việc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy CNOOC đang hành động với động cơ chính trị. Bài viết còn nêu rõ với việc vây quanh giàn khoan là lực lượng gồm khoảng 80 tàu Trung Quốc, CNOOC đã thể hiện cách cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện. Học giả Snelder nhận định vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Australia, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc Nhà nước của nước này.

Trước đó, ngày 8/5, trang “The Interpreter” cũng đã đăng bình luận của học giả Malcolm Cook, nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy, khẳng định rằng hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” mà Trung Quốc đã ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Hôm qua (10/5) Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo bày tỏ thái độ quan ngại về việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ra Tuyên bố về về tình hình Biển Đông. Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Bắc kinh dẫn thông báo được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Tuyên bố về tình hình Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã phát biểu bày tỏ quan ngại, cho rằng "Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN", đồng thời cho rằng “một số nước đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để chia rẽ đại cục hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc với ASEAN". Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Doanh cũng bày tỏ Trung Quốc mong muốn hợp tác với các nước ASEAN thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trước việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, hôm qua Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) họp tại Nay Pyi Taw, Myanmar, đã thông qua Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ  năm 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông./.

Feedback