Ngoại giao phải luôn hướng tới phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Chia sẻ
(VOV5) - Trải qua 70 năm, ngành Ngoại giao vẫn luôn vận dụng, kế thừa và chủ động sáng tạo trong công tác ngoại giao để giữ vững được độc lập dân tộc.

(VOV5) - Trải qua 70 năm, ngành Ngoại giao vẫn luôn vận dụng, kế thừa và chủ động sáng tạo trong công tác ngoại giao để giữ vững được độc lập dân tộc.

Ngoại giao phải luôn hướng tới phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh


Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Ngoại giao 28/8/1945 – 28/8/2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà trong đó, độc lập tự chủ, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết là phương châm ngoại giao từ khi lập nước. Trải qua 70 năm, ngành Ngoại giao vẫn luôn vận dụng, kế thừa và chủ động sáng tạo trong công tác ngoại giao để giữ vững được độc lập dân tộc, ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, giải quyết những thách thức mà xu thế và thời đại đặt ra. 


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Qua 70 năm, ngành ngoại giao Việt Nam đã kiến tạo sự hoà bình độc lập cho đất nước, đóng góp vào việc duy trì hoà bình ổn định thông qua các biện pháp xây dựng, phát triển mở rộng quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Truyền thống 70 năm của ngành ngoại giao luôn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ trên trường Quốc tế. Luôn đặt lợi ích dân tộc là cao nhất trong mọi vấn đề, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế ủng hộ Việt Nam trong mọi vấn đề toàn cầu.


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Trong vấn đề Biển Đông, phải khẳng định lập trường Việt Nam có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, có chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế 120 hải lý theo đúng luật pháp quốc tế. Biển Đông còn là sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì là con đường huyết mạch nối giữa các khu vực, thông thương lớn, chiếm tới 50% lượng hàng hóa thế giới, hết sức liên quan đến an ninh an toàn hàng hải. Bên cạnh vấn đề  chủ quyền, tranh chấp ở Trường Sa, Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở đó nhưng đồng thời nhiều nước cũng quản lý các đảo. Liên quan một nước, Việt Nam chủ trương giải quyết song phương, liên quan tới nhiều nước, giải quyết đa phương. Nhưng quan điểm của Việt Nam là giải quyết phải dựa trên luật pháp quốc tế. Cái bất biến ở đây là hòa bình ổn định cần đảm bảo. Lợi ích chủ quyền phải đảm bảo. Cái ứng vạn biến là phải tìm biện pháp tăng cường hợp tác mà không ảnh hưởng đến chủ quyền, những chỗ nào không tranh chấp, để giảm thiểu xô xát trên biển. Việt Nam cũng phản đối những hành động đơn phương, thay đổi hiện trạng trên Biển Đông".


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Sau 70 năm, có thể khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam có những đóng góp vào công việc chung của thế giới, từ lúc đầu tham gia đến chủ động hội nhập, có đóng góp giải quyết những vấn đề thế giới.

Feedback