(VOV5) - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng 22/10 tại Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11. Với tổng số thời gian làm việc là 26 ngày, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế- xã hội, công tác giám sát… Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
|
Quốc hội sẽ dành già nửa thời lượng của kỳ họp lần này cho công tác xây dựng luật. Ảnh: Tiến Dũng |
Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 Nghị quyết bao gồm: Luật dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật Thủ đô; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Về các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013; báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2013; báo cáo về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế... Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
Theo TTXVN