Hợp tác đầu tư và phát triển bền vững tiểu vùng Mê Kông

Chia sẻ
(VOV5) - Với chủ đề “Hợp tác đầu tư và phát triển bền vững Tiểu vùng Mê Kông”, Diễn đàn tài nguyên Mê Kông II diễn ra sáng 10/5, tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, với sự tham dự của 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội của Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là các nước thuộc khu vực tiểu vùng Mê Kông.

(VOV5) - Với chủ đề “Hợp tác đầu tư và phát triển bền vững tiểu vùng Mê Kông”, Diễn đàn tài nguyên Mê Kông II diễn ra sáng 10/5, tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, với sự tham dự của 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội của Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là các nước thuộc Khu vực tiểu vùng Mê Kông.

Hợp tác đầu tư và phát triển bền vững tiểu vùng Mê Kông - ảnh 1



Hiện chính phủ các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông rất quan tâm đến việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, bởi nguồn vốn này không những góp phần thúc đẩy kinh tế mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt, nâng cao mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa các thành viên khu vực với các đối tác nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trên thế giới. Ông Christoph Schill, Chuyên gia của Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam, cho rằng: “Các nhà đầu tư của Châu Âu nhìn thấy tiềm năng thị trường của Việt nam, một thị trường về xuất khẩu, tiêu dùng và họ nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU. Ngoài ra, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển năng lượng thủy điện, năng lượng gió… các nhà đầu tư EU sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng nếu như VN tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư; cải thiện môi trường pháp lý và các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững cam kết của mình với đối tác. Ngoài ra Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ.”

Trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư 335 dự án, trị giá hơn 7 tỷ USD tại các nước tiểu vùng Mê Kông. Việt Nam đặc biệt quan tâm và coi trọng việc hợp tác phát triển kinh tế với các nước thuộc Tiểu vùng Mê Kông và Chính phủ Việt Nam đã có chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Lào, Campuchia và tới đây là Myanmar. Để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch vào khu vực này, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, cho biết các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông sẽ thường xuyên rà soát, triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác… nhằm đảm bảo cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Chính phủ các nước cũng đã và đang coi trọng vấn đề phát triển lâu dài, bền vững của dòng sông Mê Kông nhằm đảm bảo hài hoà các mục đích kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân nơi có vùng dự án, xoá đói giảm nghèo./.

Feedback