(VOV1)- Chiều 13/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương với 11 địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên để bàn phương án đối phó với cơn bão 11 (tên quốc tế là Nari).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lực lượng bộ đội Biên phòng và chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền địa phương các cấp tập trung kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ vận hành đúng quy trình để xả nước phù hợp với tình hình thực tế cắt lũ cho vùng hạ du. Đối với các địa phương dự báo báo sẽ đổ bộ, cần chủ động huy động lực lượng lên phương án sơ tán dân vùng hạ du đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở.
|
Người dân Hà Tĩnh gia cố mái nhà đề phòng bão giật tốc mái trong cơn bão số 10
(Ảnh: CTV Đăng Quang/VOV online)
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: “ Đề nghị các cơ quan thông tin báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở thường xuyên cập nhật diễn biến cơn bão kịp thời thông báo cho ngươi dân biết tình hình mưa lũ để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát vùng lũ hạ du để sớm cảnh báo cho người dân khi tình huống xấu có thể xảy ra. Chính quyền các địa phương cần thực hiện nghiêm lệnh cấm đi biển, theo dõi chặt chẽ hành trình của các tàu đang trên đường vào bờ tránh trú an toàn”.
Đến 16h cùng ngày, bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thông báo và hướng dẫn cho 61.446 phương tiện biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Đáng lưu ý là khu vực Quần đảo Hoàng Sa và giữa biển Đông có 43 tàu đang trên đường về bờ. Hơn 13.000 phương tiện vào neo đậu tại các bến và hoạt động gần bờ.
Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia cho biết: Bộ Quốc phòng đã điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4, 5, Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội biên phòng và hàng trăm phương tiện các loại sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Trung tướng Trần Quang Khuê yêu cầu: “Các khu vực dự kiến có bão đổ bộ vào, đề nghị các địa phương thực hiện lệnh cấm đi biển, vì một số tàu thấy thời tiết biển yên tĩnh vẫn ra biển nhưng quay trở vào bờ rất khó. Khi các tàu về đến khu neo đậu cũng cần chằng buộc, liên kết chặt chẽ với nhau để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, phải sơ tán dân không để họ ở lại trên tàu”.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các hồ chứa thủy lợi nhỏ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh hầu hết đã tích đầy nước.
Các hồ chứa từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đang tích phổ biến ở mức từ 60 – 80% so với thiết kế. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hồ chứa đang tích nước ở mức thấp từ 30-50% so với thiết kế. Các hồ chứa trên 10 triệu m3 đã tích đầy gồm Sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa), Vực Mấu, Vệ Rừng, Xuân Dương, Sông Sào (Nghệ An), Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy, Kim Sơn (Hà Tĩnh), Tiên Lang (Quảng Bình), Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Khe Tân (Quảng Nam). Các hồ chứa tràn có cửa van đang xả nước hoặc chuẩn bị xả gồm: sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa), Vực Mấu, Sông Sào (Nghệ An), Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn (Hà Tĩnh), Truồi (Thừa Thiên Huế), Phú Ninh (Quảng Nam)./.