Hội đàm và họp Nội các chung giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan

Thành Chung
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-ocha; cùng các thành viên Chính phủ hai nước tiến hành cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3.
 (VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thái Lan. Sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-ocha; cùng các thành viên Chính phủ hai nước tiến hành cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3.

 

Hội đàm và họp Nội các chung giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan  - ảnh 1



Tại cuộc hội đàm và họp Nội các chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên tinh thần Đối tác chiến lược với Thái Lan, ủng hộ Thái Lan có vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Prayut Chan-ocha bày tỏ mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn. Hai Thủ tướng thống nhất đề ra những định hướng hợp tác lớn trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan.

 

Hai Thủ tướng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên khẳng định lại quan điểm đã được nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 tại Kuala Lumpur, Malaysia (tháng 4/2015); khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn tiếp theo; đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); tăng cường đối thoại và tham vấn để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Kết thúc cuộc họp, hai Thủ tướng cùng chứng kiến Lễ ký kết các các thỏa thuận hợp tác, gồm: Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động; Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động; Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Long An (Việt Nam) và tỉnh Trat, Thái Lan); Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan). Sau lễ ký, hai bên họp báo về chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và kết quả cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Đến nay Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong các nước ASEAN. Năm 2015 có khả năng thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ đạt 12 tỷ USD, tăng khoảng 13% đến 15 % so với 2014 và như vậy hoàn toàn có khả năng đến năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD. Thái Lan hiện là nước đứng thứ 10 trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan đầu tư thành công ở Việt Nam và hy vọng Thái Lan sẽ trở thành một trong những nước đầu tư hàng đầu ở Việt Nam trong tương lai.

 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Phu nhân thăm quan các gian trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ và nhạc cụ truyền thống của Thái Lan.

                                               

Feedback