Dư luận quốc tế đồng loạt phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5) - Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 8/5, tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, đặc trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông trong những ngày qua.

(VOV5) - Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 8/5, tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, đặc trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông trong những ngày qua. Tại cuộc gặp, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phản đối việc Trung Quốc sử dụng các tàu, trong đó có tàu quân sự, để can thiệp ở khu vực. Ông Daniel cũng cho biết trong 2 ngày ở thăm Hà Nội, ông đã có các cuộc thảo luận với các quan chức của Việt Nam về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, bày tỏ quan điểm của Chính phủ Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế, sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết bất đồng. Ông cũng khẳng định cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có bất kỳ một yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ về mặt quân sự để giải quyết các tranh chấp hiện nay với Trung Quốc.


Dư luận quốc tế đồng loạt phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông  - ảnh 1
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển của Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan HD 981. Ảnh: Dantri.


Sáng 8/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế: “Nhật Bản coi sự việc lần này là một phần trong hàng loạt các hành động tiến ra đại dương đơn phương và mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Nhật Bản lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng trong khu vực do Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan thăm dò đơn phương.

Trước đó, ngày 7/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh hành động của Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng trong khu vực" và khiến Nhật Bản quan ngại. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore  kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Người phát ngôn cho biết Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).


Ngày 7/5,  ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại New York (Mỹ), khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông Andrew nhấn mạnh đây rõ ràng là thất bại của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS, vì thế Trung Quốc cần phải tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này.

Tại Singapore, tờ "Straits Times", nhật báo hàng đầu của Singapore, ngày 7/5 dẫn nhận định của giới học giả nước này cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là một bước leo thang nghiêm trọng và tạo ra “một kịch bản vô cùng nguy hiểm” đối với khu vực.

Tại Đức, nhiều tờ báo lớn như "Thế giới", "Thời đại", "Tấm gương"... đều đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam là "một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Bắc Kinh"./.

Feedback