Tỉnh An Giang hiện có hơn 90.000 người dân tộc Khmer sinh sống, phần lớn tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Trước kia, do trình độ dân trí thấp, sản xuất lạc hậu nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ sự quan tâm thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ kinh tế, sản xuất, nhà ở, đất ở; chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm của Đảng và Nhà nước cho người dân, đời sống của bà con nơi đây ngày càng khấm khá. Đây chính là cơ sở để bà con vui đón lễ Dolta năm nay với sự chuẩn bị đủ đầy, ấm cúng.
|
Hệ thống tưới tiêu đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho bà con An Giang. |
Với sự đầu tư của tỉnh và Trung ương, những con đường dẫn về phum, sóc của đồng bào Khmer ở An Giang đã được trải nhựa, bê tông thẳng tắp. Điện, nước đã được kéo ống đến từng hộ gia đình. Trên các vùng đất cao, hệ thống bơm nổi đã góp phần đưa nước tưới phục vụ sản xuất quanh năm, góp phần tăng năng suất và thu nhập cho nông dân Khmer.
Từ nguồn vốn của Chương trình Dân tộc, trạm bơm điện An Tức được xây dựng với công suất 3.000m3/giờ đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất cho hàng trăm ha lúa và rau màu 3 vụ vùng cao trong xã. Trạm bơm điện Ô Lâm cũng đi vào vận hành với công suất 4.000m3/giờ, góp phần đưa cánh đồng vùng cao Phước Long – Phước Lộc sản xuất từ 1 vụ lên 3 vụ/năm.
“Người dân ở ấp Tà Miệt nơi tôi đang sinh sống được Nhà nước quan tâm nhiều, bà con được cấp nhà để ở, sản xuất ổn định. Trong dịp lễ Dolta này, mọi người dân tổ chức chu đáo, cúng ông bà cha mẹ ở trong nhà, sau đó lên chùa. Đây cũng là phong tục chung của đồng bào Khmer” - Ông Chau Thunh, người dân ở huyện Tri Tôn phấn khởi cho biết.
Với sự quan tâm rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phum sóc Khmer vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang ngày càng đổi thay rõ nét. Tại huyện Tịnh Biên, Trung ương và tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế địa phương.
Trong năm qua, huyện đã giải ngân cho khoảng 900 hộ, tổng kinh phí hỗ trợ gần 10 tỷ đồng; đồng thời địa phương đã giải quyết việc làm cho hơn 1.400 lao động là người Khmer, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào.
|
Cổng chùa của đồng bào Khmer. |
Tại huyện Tri Tôn, từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, huyện đã xét cất được trên 2.200 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có 863 hộ gia đình Khmer. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ đất ở cho trên 900 hộ, hỗ trợ học nghề cho 3.853 lao động, chuyển đổi nghề cho gần 4.000 hộ với tổng kinh phí gần 59 tỷ đồng.
Nhà sư Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn nhận xét: “Bà con đồng bào khmer ở đây bây giờ vui lắm rồi. Ai cũng có của ăn, của để. Làm lúa thì trúng lắm. Bây giờ vui Dolta thì thấy gia đình nào cũng có sự chăm chút. Đảng, Nhà nước phải nói là hết lòng với đồng bào mình”.
Có thể khẳng định, những đổi thay lớn nhất trong đời sống đồng bào Khmer An Giang thời gian qua bắt đầu từ việc địa phương vận dụng hiệu quả những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước phục vụ nhu cầu lợi ích của bà con như hệ thống giao thông thông suốt, nhựa hóa đến từng phum, sóc xa xôi. Giờ đây, những xã nằm trong Chương trình 134, 135 từ sự đầu tư toàn diện đã và đang từng bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, hệ thống trường, lớp ở các xã, thị trấn miền núi và nhiều nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã được bố trí rộng khắp, với những ngôi trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở khang trang.
|
Chùa Khmer vùng Bảy Núi, An Giang. |
Đặc biệt, tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh đã đầu tư và phát triển Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang gồm hệ THCS và THPT với cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu dạy và học đối với thầy và trò khu vực Bảy Núi.
“Tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư rất lớn đối với vùng đồng bào dân tộc. Mọi lĩnh vực đều có sự chuyển biến. Do vậy trong các phum sóc đều đổi mới. Điều đó đang tạo một sự chuyển biến lớn trong vùng đồng bào dân tộc” - Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.
Phum sóc đổi mới, phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào cũng từ đó nâng lên rõ rệt. Điều này càng nhận thấy rõ khi mùa Dolta lại về với từng phum sóc, từng gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, tươm tất hơn.
Nhớ ơn người đi trước, mỗi gia đình trong từng phum sóc hôm nay cũng phấn đấu quyết tâm thoát nghèo, nâng cao ý chí tự lực vươn lên, tận dụng lợi thế sản xuất nông nghiệp để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và làm giàu.
Một mùa Dolta lại về trong niềm vui rộn rã trên mỗi vùng quê của bà con Khmer ở An Giang./.
Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL