Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao là nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV

Chia sẻ
(VOV5) - Chiều 19/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14. Diễn ra từ ngày 20/7 đến ngày 29/7, kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 sẽ dành 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định công tác tổ chức nhân sự cao cấp của nhà nước.

(VOV5) - Chiều 19/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14. Diễn ra từ ngày 20/7 đến ngày 29/7, kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 sẽ dành 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định công tác tổ chức nhân sự cao cấp của nhà nước.


Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao là nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV - ảnh 1
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư Ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại họp báo (Ảnh: vov.vn)


Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021; kết quả xác nhận tư cách đại biểu, tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quyết định cơ cấu tổ chức, thành viên của Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng An ninh. Quốc hội cũng dành 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; xem xét thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: "Khóa 14 này, số tái cử khoảng 36%, cao nhất so với 3 khóa gần đây. Đây chính là lực lượng nòng cốt giúp cho đại biểu mới. Thứ hai là các đại biểu khóa mới cũng có nhiều đại biểu làm trong lĩnh vực tư pháp. Thứ ba là vừa qua Ban công tác đại biểu đã tổ chức tập huấn cho đại biểu mới tham gia lần đầu để tìm hiểu về quy trình lập pháp như thế nào. Như vậy tôi nghĩ rằng, các đại biểu mới mà nhất là đại biểu khóa 14 có tới 94% trình độ đại học, 62% trong số đó có trình độ trên đại học. Chưa có khóa nào có chất lượng và cơ cấu tốt như thế cả."

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, ưu tiên hàng đầu trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa 14 sẽ là xây dựng các văn bản luật để giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và các Luật góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Feedback