Đặc biệt là ngày càng đảm bảo và phát huy các quyền dân sự và chính trị của người dân, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Đó là nội dung chính tại hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 17/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại hội thảo. |
Các tham luận tại hội thảo khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội. Kể từ khi tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cải cách đồng bộ và mạnh mẽ các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm và phát huy quyền con người. Nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết: “Với bản Hiến pháp năm 2013 được ban hành, rất nhiều đạo luật sau đó như các luật tổ chức đến các luật về thủ tục tố tụng tại toà án, các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc các luật liên quan đến quyền kinh doanh, Luật hôn nhân gia đình, Luật hộ tịch… đều đi theo một xu thế chung đó là ngày càng trao nhiều quyền dân sự và chính trị cho người dân. Đồng thời bảo đảm các điều kiện để họ thực hiện nó một cách thuận tiện nhất.”
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, có hiệu lực từ năm 1976. Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế này năm 1982. Hiện có khoảng 170 nước tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.