(VOV5) - Đây là chủ đề của hội thảo do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng nay (15/06), tại Hà Nội, nhằm nâng tầm hiểu biết chung của các bên liên quan về những thách thức, cơ hội và rủi ro mà Việt Nam đang đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế theo chiều sâu.
|
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và lâu dài của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như TPP và EVFTA, được mệnh danh là những Hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21, mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam nhất là về thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: “ Đối với những thách thức và rủi ro mà các hiệp định này mang lại, Việt Nam cần chuẩn bị một tâm thế rất vững chắc để có thể hội nhập và hội nhập thành công với quốc tế, kinh tế khu vực và thế giới. Chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể với những vấn đề trọng tâm như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với trọng tâm là xử lý có hiệu quả nợ xấu và giải quyết dứt điểm các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém; tái cơ cấu thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công; tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Việc giữ được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu thành công nền kinh tế, giải quyết thành công bài toán xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn nợ công là điều kiện tiên quyết và là nền tảng cho việc phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, và để có thể hội nhập thành công với quốc tế và khu vực".
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Cũng tại Hội thảo, bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, nhóm Ngân hàng Thế giới, khẳng định: “ Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm. Thương mại quốc tế đã tạo cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiếp cận được với thị trường quốc tế mà còn có thể tận dụng công nghệ và ý tưởng từ các nước khác. Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn, đó là thương mại chính là một chuẩn so sánh mà qua đó ta có thể đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và đó cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong Nhà nước, giải phóng hoàn toàn tiềm năng tự nhiên của Việt Nam. Nhóm Ngân hàng thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực khai thác tối đa các hiệp định thương mại thế hệ mới."
Hiện Chính phủ Việt Nam đã xem xét lần cuối và nhất trí trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn TPP trong thời gian tới. Đến nay, với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và ký 13 Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã và sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có tất cả các nước trong nhóm G7, 15/20 nước trong nhóm G20 với quy mô dân số 2/3 và tổng GDP 3/4 toàn cầu.