Việt Nam huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão Yagi

Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Lào Cai đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai; tỉnh Yên Bái đã di dời nhiều hộ dân trong đêm 08/09. 

Bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Ninh, Hải Phòng…và hoàn lưu sau bão đang tác động trực tiếp đến các địa phương vùng núi phía Bắc. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các địa phương, bộ, ngành đang dốc toàn lực triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Việt Nam huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão Yagi - ảnh 1Các đơn vị đang tập trung khắc phục hậu quả. Ảnh: Thanh Nga/VOV

Tính đến 17h chiều nay (9/9), số người thiệt mạng và mất tích do bão Yagi là 71 người. gần 250 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng bị hư hại.

Trong Công điện hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ; tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ gia đình người bị nạn, bảo đảm đời sống cho người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Việt Nam huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão Yagi - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tạicuộc họpchia sẻ thông tin khẩn cấp về bão số 3.Ảnh: Minh Long/VOV

Tại cuộc họp thông tin và xây dựng kế hoạch đánh giá nhanh về thiệt hại và xác định các hoạt động cứu trợ những thiệt hại do cơn bão Yagi, diễn ra sáng nay, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách để khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân vùng thiên tai trong thời điểm hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: “Hỗ trợ về hạ tầng các trường học để để học sinh trở lại trường nhanh nhất, khôi phục lại nhà cửa cho người dân rất quan trọng. Chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ đảm bảo nhanh chóng lại cho việc khôi phục lại hạ tầng sản xuất và những hoạt động liên quan xung quanh đến hạ tầng cho các tỉnh miền núi, cần phải có hỗ trợ ngay”.

Tại cuộc họp, đại diện Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc tại Việt Nam, khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, cam kết phối hợp với các đối tác huy động nguồn lực và cung cấp các hỗ trợ thiết yếu cho các địa phương và người dân khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Việt Nam huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão Yagi - ảnh 3Quân đội hỗ trợ dọn dẹp đường phố ở Quảng Ninh. Ảnh: Vũ Miền/VOV

Trong lúc này, các địa phương đang triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh quyết định hỗ trợ ngay cho bà con ở bốn trường hợp sau. Đó là nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại do mưa bão; Trồng lúa, trồng hoa màu và trồng rừng; Hỗ trợ cho người dân có nhà bị tốc mái, bị sập đổ; Hỗ trợ đối với những tàu du lịch, tàu đánh bắt bị chìm và bị hư hỏng”.Hiện, tỉnh cũng đang tập trung cứu hộ tàu thuyền bị lật, trôi dạt...

Tại tỉnh Yên Bái, mưa lũ lên nhanh khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều nhà sập đổ, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Xã Tân Phượng bị cô lập hoàn toàn. Ông Triệu Văn Nhơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Xã đã huy động 100% lực lượng của 5/5 thôn hỗ trợ các hộ bị sạt lở; vận động, giúp đỡ các hộ di dời đến nơi an toàn, đảm bảo 100% an toàn về người”.

Tại Bắc Kạn, do chịu ảnh hưởng từ cơn bão Yagi, các khu vực trong tỉnh có mưa to đến rất to. Các tuyến đường sạt lở đã được ngành giao thông và các đơn vị quản lý phối hợp xử lý, khắc phục để phương tiện có thể lưu thông. Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Huyện đã kiểm tra và yêu cầu xã chuẩn bị lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết để hỗ trợ trong trường hợp lũ gây chia cắt nhiều ngày. Hiện lũ trên sông, suối vẫn tiếp tục dâng cao và dự báo ngày tới sẽ mưa lũ vẫn còn tiếp tục, chúng tôi yêu cầu các đơn vị địa phương ứng trực đầy đủ 24/24h, sẵn sàng lực lượng để huy động hỗ trợ người dân di dời ra khỏi các nơi có nguy cơ sạt lở”.

Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết các loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cơ bản đáp ứng đầy đủ tại các tỉnh, thành, không bị gián đoạn nguồn cung.

Việt Nam huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão Yagi - ảnh 4Cán bộ chiến sỹ khẩn trương dọn dẹp cây đổ phục giao thông. Ảnh: VOV

Bộ Công Thương đang tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm, là: tái cung cấp điện trở lại; đảm bảo duy trì xăng dầu cho thị trường; đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị ngành điện, ngành năng lượng huy động mọi nguồn lực để khắc phục sự cố của các đơn vị phát điện, hệ thống đường dây truyền tải và lưới điện cơ sở để cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Đồng thời, các đơn vị lĩnh vực năng lượng duy trì nguồn cung. Duy trì việc cung ứng xăng dầu cho thị trường bảo đảm ổn định. Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải cung ứng đủ lượng hàng cho hệ thống bán lẻ, đáp ứng mọi yêu cầu của sản xuất và đời sống người dân”.

Cùng với đó, hàng nghìn nhân lực viễn thông đã được huy động để khẩn trương xử lý sự cố, phục hồi hạ tầng viễn thông, giúp kết nối lại hệ thống thông tin liên lạc. Dự kiến, trong 2 ngày tới, hệ thống thông tin liên lạc tại các địa phương sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Với sức tàn phá mạnh, bão Yagi đã khiến hàng chục ngàn cây xanh đổ, gẫy, bật gốc, gây cản trở giao thông tại nhiều tuyến đường. Các đơn vị vệ sinh môi trường, cây xanh đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân địa phương thu dọn, đảm bảo đến ngày 12/09, toàn bộ cây hư hại sau bão sẽ được di dời.

Việt Nam huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão Yagi - ảnh 5Các lực lượng vũ trang ở Sơn La giúp dân sơ tán khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: VOV

Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, lũ trên các hệ thống sông của miền Bắc đang dâng cao gây ngập lụt nhiều khu vực và hàng nghìn người dân phải di dời. Tại tỉnh Sơn La, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, Sơn La, cho biết: “Tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đá, huyện đã kiên quyết di dời ngay người và tài sản, đặc biệt trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để di dời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đối với các xã dọc sông Đà chúng tôi cũng đang triển khai hướng dẫn người dân thu hoạch cá, neo đậu tàu thuyền đến vị trí an toàn”.

Feedback