Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) ngay từ chu kỳ 1 (2009).
Quang cảnh buổi hội thảo. - Ảnh: Ánh Huyền/VOV5 |
“Chúng tôi đã có Kế hoạch tổng thể và Thủ tướng đã thông qua về việc thực hiện những cam kết của Việt Nam, làm thế nào để thực hiện được các khuyến nghị mà chúng tôi đã chấp nhận. Chính phủ Việt Nam hy vọng được lắng nghe tiếng nói của các bên liên quan cũng như của bạn bè quốc tế về việc làm thế nào để có những bước tiến tiếp theo hiệu quả trong thực hiện các khuyến nghị theo đúng kế hoạch tổng thể.” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.
Cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong tham gia cơ chế UPR cũng được ghi nhận và đánh giá cao trong phát biểu của đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Nhóm Kết quả về Quản trị và Pháp lý của LHQ tại Việt Nam, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: “Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua việc phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Những tiến triển này đã được các quốc gia khác ghi nhận và hoan nghênh trong UPR. Với tư cách là đối tác lâu dài của chính phủ Việt Nam, với việc hỗ trợ Việt Nam trong suốt tiến trình UPR chu kỳ 3, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, củng cố ưu tiên của chúng tôi để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại sự kiện. - Ảnh: Ánh Huyền/VOV5 |
Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh 3 thông điệp: Quyền con người là căn bản và liên hệ mật thiết với phát triển bền vững; Thực hiện các cam kết về quyền con người cũng sẽ đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs; Tất cả các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR ở Việt Nam.
Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 2008. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ 3, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.