Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn thể các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á - Thái Bình Dương năm 2022

Chia sẻ
(VOV5) - Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các văn kiện gồm: Thông cáo chung, Tuyên bố chung, Điều lệ sửa đổi bổ sung của Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương.

Từ ngày 6-10/6/2022, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các đối tác quốc tế và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 tại Việt Nam (AAPTC).
Sáng 7/6, lễ khai mạc Hội nghị và Hội thảo đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế.

Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn thể các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 - ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh chung tại lễ khai mạc. Ảnh: qdnd.vn

Với chủ đề "Dẫn đầu đổi mới: Hành động của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ủng hộ Sáng kiến Hành động vì hòa bình của Liên hợp quốc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc", Hội nghị và Hội thảo tạo diễn đàn kết nối sức mạnh chung giữa các quốc gia thành viên của Hiệp hội sau những năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh; cùng nhau cập nhật, trao đổi, học hỏi bài học kinh nghiệm, "chấn chỉnh lại nguồn lực" nhằm ủng hộ Chương trình Hành động vì hòa bình của Liên hợp quốc (A4P) và Hành động vì gìn giữ hòa bình mở rộng (A4P +).

Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn thể các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 - ảnh 2Trung tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: qdnd.vn

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khẳng định Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị lần này và cho rằng đây là cơ hội quý báu để Việt Nam và các quốc gia thành viên Hiệp hội trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, biện pháp vượt qua khó khăn, nhất là các thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, qua đó tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn lực để đảm bảo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, chuẩn bị triển khai nhanh lực lượng và hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần thiết thực vào nỗ lực gìn giữ hòa bình chung của cộng đồng quốc tế.

Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các văn kiện gồm: Thông cáo chung, Tuyên bố chung, Điều lệ sửa đổi bổ sung của Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời chuyển giao vai trò Chủ tịch Hiệp hội năm 2023 cho nước chủ nhà tiếp theo.

Feedback