Viện nghiên cứu Lowy đánh giá cao quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam là một điển hình đối với việc tự do hóa thương mại đa phương trong tương lai. 

Viện Nghiên cứu Lowy của Australia vừa đăng tải bài viết về nền kinh tế của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu, trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam áp dụng thận trọng và theo trình tự các thể chế thị trường đã mang lại hơn 2 thập kỷ thành tích kinh tế đầy ấn tượng.

Viện nghiên cứu Lowy đánh giá cao quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa: Lắp ráp sản phẩm tại công ty Samsung Việt Nam, KCN Yên Phong, Bắc Ninh -Ảnh: TTXVN  

Theo bài viết, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã nổi lên như là câu chuyện kinh tế hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Không phải vì đây là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực hay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mà đó là vì công cuộc tái cơ cấu kinh tế đã mang lại nhiều thành tựu ấn tượng về của cải, thương mại và đầu tư.

Là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam là một điển hình đối với việc tự do hóa thương mại đa phương trong tương lai. Bài viết nhấn mạnh: Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích đầy ấn tượng về của cải, thương mại và đầu tư, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức mới, bao gồm việc giải quyết quyền sở hữu nhà nước về kinh tế, tăng năng suất và phát triển một khu vực tư nhân có sức cạnh tranh.

Bài báo cho rằng: Việt Nam là một trong những nước có thành tích kinh tế nổi bật ở Đông Nam Á. Với nền tảng căn bản mạnh mẽ với nhân khẩu học thuận lợi, phân phối thu nhập tốt và nguồn nhân lực hấp dẫn so với các nước tương tự, Việt Nam đang ngày càng trở thành thị trường hấp dẫn bằng thực lực của mình.

Sự ổn định chính trị, chi phí nhân công thấp, các điều kiện ưu đãi về thuế và đầu tư cùng với các FTA đã đưa Việt Nam nổi lên như là một nước xuất khẩu hấp dẫn đối với các thị trường phát triển hơn. Bài báo cho rằng: Một loạt yếu tố đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư và tăng cường xuất khẩu bao gồm: một cơ chế đầu tư cạnh tranh; tự do hóa thương mại; việc tham gia hệ thống kinh tế quốc tế; sự ổn định chính trị và chi phí lao động thấp. Con đường tái cơ cấu nền kinh tế là thực tiễn và đa dạng. Các nhà hoạch định kinh tế của Việt Nam xác định thị trường là một cách để khuyến khích sản xuất và thương mại hơn nữa.

Feedback