Hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 18 của Hiệp hội Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế (AHRD) với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số” khai mạc sáng 06/11, tại Hà Nội. Hội thảo do trường Đại học Ngoại thương, Hiệp hội Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế và Học viện Viettel phối hợp tổ chức.
Đây là lần đầu tiên hội thảo về Phát triển Nguồn nhân lực được tổ chức ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên hội thảo gắn các vấn đề truyền thống về phát triển nguồn nhân lực với vấn đề đổi mới và sáng tạo trong kỷ nguyên số. Tại Hội thảo, 120 đại biểu là các học giả, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản trị nhân lực trong nước và quốc tế thảo luận 10 nhóm vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo. - Ảnh: PV/Vietnam+ |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN vẫn còn cao, mà một trong những nguyên nhân đó là chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh tiến bộ khoa học diễn ra nhanh chóng và cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội thì các trường đại học phải thay đổi tư duy trong đào tạo quyết liệt hơn.
"Giáo dục đại học phải thay đổi từ mô hình đến cơ cấu và tư duy từ trước là chỉ cần học một lần để làm việc suốt đời thì nay phải chuyển sang tư duy là cần phải học suốt đời thì mới đủ năng lực để làm việc suốt đời. Vì vậy, vấn đề đào tạo lại cho người lao động, kể cả những lao động đã có bằng cấp rồi vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng để đảm bảo nguồn nhân lực của chúng ta luôn đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm."
Tại hội thảo, các nhà khoa học, học giả, nhà nghiên cứu cũng chia sẻ một số giải pháp trong phát triển nguồn nhân lực trong một nền kinh tế đang chuyển đổi và năng động của Việt Nam.