Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú đậm đà bản sắc dân tộc

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Đến với Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động đặc sắc cũng như hòa mình vào các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.

(VOV5) - Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2017 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) từ 19 - 23/4 với nhiều hoạt động phong phú. 


Đến với Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động đặc sắc cũng như hòa mình vào các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.


Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú đậm đà bản sắc dân tộc - ảnh 1

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chính thức lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam hàng năm trên cả nước được tổ chức trọng tâm, trọng điểm và có nhiều nội dung gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết: “Việt Nam là nước có lịch sử lâu đời, lại là một cộng đồng dân cư đa sắc tộc với 54 dân tộc, văn hóa đặc sắc. Về tài nguyên di sản văn hóa Việt Nam không thua kém nước nào trên thế giới".

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào của 8 dân tộc Mường, Thái, Khơ Mú, Dao, Tày, Ê Đê, Tà Ôi, Khmer; các nhà sưu tập nhạc cụ tre nứa của các dân tộc H’rê, Gia Rai, Thái, Cơ Tu. Với chủ đề “Giai điệu từ núi rừng”, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay gồm cá hoạt động như: Chương trình nghệ thuật chào mừng mang đậm sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam; trưng bày, triển lãm và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam”; giới thiệu đồ thủ công mỹ nghệ làm từ tre, nứa. Dịp này, Ban tổ chức tái hiện một số lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia); Lễ bốc Mó của dân tộc Thổ ở tỉnh Nghệ An, một lễ tục quan trọng vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, Ban tổ chức thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co, từng được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Lâm Văn Khang, quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết: “Đồng bào về đây không chỉ tham gia vào các hoạt động của đồng bào mình mà còn giao lưu các đồng bào với nhau. Chúng tôi tạo điều kiện, mong muốn để đồng bào các dân tộc tham gia vào tất cả các sự kiện".

Ngoài ra, còn có các hoạt động: Giới thiệu văn hóa, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống các dân tộc; đồng diễn Yoga, trình diễn võ cổ truyền, vật dân tộc.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam hội tụ tất cả những đặc trưng văn hóa vùng miền, các dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Feedback