Quang cảnh buổi họp báo |
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức 6,3% trong năm nay. Triển vọng của nền kinh tế là tích cực nhưng khó khăn trong và ngoài nước đòi hỏi cần tăng cường phối hợp và ứng phó chính sách. Đây là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 diễn ra sáng nay (13/03), tại Hà Nội.
Phân tích cụ thể những nội dung được đưa ra trong Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, tác giả của Báo cáo, cho rằng: "Chúng tôi dự báo tăng trưởng năm nay ở khoảng 6,3%, thấp hơn so với năm ngoái. Những nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là nửa đầu năm, sẽ yếu hơn năm ngoái do những diễn biến xảy ra tại Hoa Kỳ và châu Âu liên quan tới chính sách tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất. Các nền kinh tế này sẽ giảm tốc. Do vậy, làm cho sức mua đối với hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, chúng tôi thấy rất triển vọng, do nhu cầu bên ngoài từ Hoa Kỳ và châu Âu sẽ hồi phục tốt hơn và nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ vững chắc hơn. Lạm phát thời gian tới sẽ đạt bình quân khoảng 4,5%. Đầu tư tổng thể sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đóng góp cho tăng trưởng GDP. FDI sẽ tiếp tục đổ vào vững chắc trong thời gian tới. Triển vọng kinh tế sẽ cải thiện trong quý II của năm do sẽ có thêm nhiều đầu tư tư nhân trong nước".
Cũng theo bà Dorsati Madani, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần được cải thiện vào 2 năm tiếp theo (2024-2025), với dự báo tăng trưởng lên mức 6,5% mỗi năm. Cùng với sự cải thiện về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ giảm dần từ 4,5% năm 2023 xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 3,0% vào năm 2025.
Tại buổi công bố báo cáo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong đó, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công là chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ cần được đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.