Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị - Ảnh VGP/Quang Hiếu
|
Sáng 30/12, hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hội nghị quan trọng của Chính phủ, diễn ra trong 1,5 ngày, nhằm đánh giá, tổng kết năm 2019 và quan trọng hơn là triển khai các giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế năm 2020 mà Quốc hội giao. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên khai mạc.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng nhìn lại năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức lớn nhưng nhờ sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, quân dân, Việt Nam đạt được kết quả toàn diện, tốt hơn năm 2018. Thể hiện ở 4 điểm lớn. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Một là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân gần 2800 USD/người. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Lạm phát được kiểm soát dưới 3%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Thứ hai, các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 4%. Thứ 3, tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, hoạt động đối ngoại và hội nhập tiếp tục được chú trọng. Thứ 4, công tác xây dựng đảng, phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh".
TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi ý, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Tinh thần chung là chủ động tích cực hơn, năng động sáng tạo hơn, và kết quả tổng thể phải cao hơn năm 2019. Với tinh thần đó, Tổng bí thư yêu cầu tập trung ưu tiên 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn đối với việc phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Chủ động, tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại; đồng thời hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế quốc tế của đất nước".
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…