(VOV5) - Di tích bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa thực sự là những bằng chứng lịch sử quan trọng khắc ghi cụ thể việc quản lý liên tục, toàn diện của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Sáng 17/7, tại thành phố Nha Trang, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia 2 di tích lịch sử là Địa điểm lưu niệm tàu C235 và Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa cho đại diện các địa phương.
|
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh trao Bằng công nhận cho đại diện huyện Trường Sa và Vùng 4 Hải quân |
Di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết được Việt Nam xây dựng từ năm 1956. Trên 2 bia chủ quyền ghi rõ: “Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956 dưới sự hướng dẫn của hải quân Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định Di tích bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa thực sự là những bằng chứng lịch sử quan trọng khắc ghi cụ thể việc quản lý liên tục, toàn diện của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa:Việc xếp hạng 2 bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa chính là sự thể hiện thái độ trân trọng và tinh thần quyết tâm với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước ta, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước truyền thống anh hùng của người dân Việt Nam.
Di tích Địa điểm lưu niệm tàu không số C235- Đường Hồ Chí Minh trên biển, gắn liền với sự kiện năm 1968, tại vùng biển Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, các chiến sỹ trên tàu không số C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy chở hàng chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ đã anh dũng chiến đấu với 7 tàu chiến và 2 liên đoàn biệt động của địch. Tàu 235 đã thả hàng an toàn và kịp thời hủy tàu. 14 cán bộ, chiến sĩ trên tàu 235 anh dũng hy sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.