Sáng nay (9/5), tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo “di cư lao động nước ngoài-cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp cũng như nêu các vấn đề có tính nhạy cảm giới để hỗ trợ nữ lao động di cư làm việc ở nước ngoài cũng như khi trở về Việt Nam; hỗ trợ tư vấn pháp lý, đạo tạo chuyển đổi nghề cho lao động nữ di cư...
Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VOV |
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết: "Hội cũng tham gia vào quá trình góp ý, phản biện xã hội các chính sách luật pháp có liên quan đến việc đưa người đi lao động ở nước ngoài. Phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ làm việc ở nước ngoài.
Để vận động tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn thì hội cũng phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước triển khai nhiều hoạt động phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người dựa vào cộng đồng, cung cấp các dịch vụ ban đầu cho phụ nữ di cư hồi hương và tăng cường nhận thức về di cư an toàn và ứng phó an toàn cho lao động nữ khi di cư."
Hội thảo “Di cư lao động nước ngoài-cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam”. Ảnh: VOV |
Trong những năm qua, lao động Việt Nam đã có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và khi trở về cũng góp phần nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động.
Sau khi đại dịch Covid -19 được kiểm soát, nhu cầu nhân lực tại các nước tiếp nhận lao động đang có xu hướng gia tăng. Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng số lao động động đi làm việc ở nước ngoài là gần 38 nghìn người (trong đó lao động nữ chiếm khoảng 21%), tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.