Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số: Cơ hội để nâng cao thứ hạng quốc gia

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ ba trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Ngày 16/12, Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Hội thảo và Triển lãm Ngày Internet Việt Nam 2020, với chủ đề “Hiện thực hoá khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam” nhân kỷ niệm 23 năm Việt Nam chính thức hoà mạng Internet toàn cầu (Ngày 19 tháng 11 năm 1997).

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số: Cơ hội để nâng cao thứ hạng quốc gia - ảnh 1Quang cảnh Ngày Internet Việt Nam 2020. - Ảnh: Minh Quyết/TTXVN 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ ba trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, với quan điểm là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và là cơ hội để nâng cao thứ hạng quốc gia. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nhấn mạnh: “Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có sử dụng Internet nhiều nhất. Với xu hướng của Internet đã trở thành một hệ sinh thái của chuyển đổi số trong xu hướng chung của thế giới và đặc biệt đang là một chỉ đạo trọng tâm trong phát triển của Chính phủ, cũng vì thế, cho nên chủ đề của sự kiện ngày hôm nay là hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số Việt Nam”.

Để chuyển đổi số có thể giúp mọi người tận dụng được các lợi thế do Internet mang lại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cả 3 trụ cột chính của tiến trình chuyển đổi số quốc gia cần sự hành động mạnh mẽ hơn nữa của toàn xã hội. Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng, thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, hay là số hóa một vài quy trình như trước đây. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra một tác động lớn hơn bao giờ hết trên cả ba trụ cột là Chính phủ số - Kinh tế số và xã hội số muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa và rộng hơn nữa, để cơ quan Nhà nước doanh nghiệp và cả cộng đồng chúng ta cùng chung tay nhau hành động”.

Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đang xếp thứ 86 về chỉ số Chính phủ số trong năm 2019, tăng 2 bậc so với năm 2018 và đang đứng thứ 6 trong Khu vực Đông Nam Á. Riêng về trụ cột xã hội số, thì Việt Nam chỉ đang ở mức tăng trưởng trung bình trong khu vực Đông Nam Á.

Một trụ cột nữa mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra là Kinh tế số, thì cũng đang có một số kết quả khả quan. Trong năm 2020 kinh tế số của Việt Nam đã đạt hơn 14 tỷ USD, tăng trưởng 16 % gần như cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về kinh tế số. 

Feedback