Chỉ số PAPI tiếp tục tạo ra những hiệu ứng đáng kể ở cấp tỉnh và cấp quốc gia

Chia sẻ
(VOV5) - Chỉ số PAPI tiếp tục tạo ra những hiệu ứng đáng kể ở cấp tỉnh và cấp quốc gia - đây là khẳng định của Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trong buổi họp báo công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015 diễn ra tại Hà Nội.

(VOV5) - Chỉ số PAPI tiếp tục tạo ra những hiệu ứng đáng kể ở cấp tỉnh và cấp quốc gia - đây là khẳng định của Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trong buổi họp báo công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015 diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.

Chỉ số PAPI tiếp tục tạo ra những hiệu ứng đáng kể ở cấp tỉnh và cấp quốc gia - ảnh 1



Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh: “Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân toàn quốc của Việt Nam sẽ được tổ chức vào tháng tới, Báo cáo PAPI năm 2015 sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và  hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời xác định tiêu chuẩn, đích đến trong thời gian tới.Ở cấp quốc gia, Chỉ số PAPI được nhiều cơ quan trung ương sử dụng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, khuyến khích cơ chế trách nhiệm giải trình xã hội, và tiếp tục cung cấp thông tin, dữ liệu hữu ích cho các cơ quan nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Bên cạnh kết quả phân tích ở cấp quốc gia, Báo cáo PAPI 2015 cũng phân tích cụ thể hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở cả sáu chỉ số nội dung thuộc phạm vi nghiên cứu. Những nỗ lực nhằm đáp ứng mong đợi của người dân của chính quyền các tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An rất đáng được ghi nhận. Năm tỉnh, thành phố này luôn có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất về tổng thể trong suốt 5 năm qua”. 

Hiện nay, ít nhất hai phần ba trong số 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc đang sử dụng Chỉ số PAPI làm công cụ theo dõi và giám sát hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương. Trong đó, ít nhất 26 tỉnh/thành phố đã ban hành nghị quyết, chỉ thị hoặc kế hoạch hành động nhằm củng cố hoặc cải thiện những chỉ tiêu đã đạt được hoặc chưa đạt được.

 

Khẳng định về sự hỗ trợ Việt Nam, bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, cho rằng: “Năm 2016 đánh dấu chặng đường 30 năm đổi mới của Việt Nam, một tiến trình cải cách đã đưa Việt Nam trở thành một câu chuyện thành công về phát triển. Hỗ trợ cải cách nền quản trị và hành chính công luôn luôn là trọng tâm ưu tiên trong hoạt động hợp tác giữa Thụy Sỹ và Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Chúng tôi tin rằng sáng kiến này đã, đang và sẽ góp phần đổi mới nền quản trị ở Việt Nam bởi vì quản trị tốt chính là nền tảng để phát triển hơn nữa, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ".

 

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện qua 7 năm (từ 2009), trong đó có 5 năm liên tiếp (từ 2011 đến 2015) khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh được thực hiện trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. PAPI đã và đang góp phần tạo động lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công từ trung ương đến địa phương, xây dựng một nền công vụ vì dân và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

Feedback