(VOV5) - Tại Paris, vừa diễn ra cuộc hội thảo quốc tế quy mô lớn với chủ đề “Biển Đông: Phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?”. Hội thảo do Học viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức, với 3 chủ đề “Luật pháp quốc tế”; “Thách thức chính trị, chiến lược và kinh tế” tại Biển Đông, “Ngõ cụt quân sự hay giải pháp chính trị ?”.
|
Ý kiến chuyên gia quốc tế phản bác mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là luận điệu vô căn cứ về đường lưỡi bò; phân tích kỹ lưỡng tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc và chứng minh tấm bản đồ đó không phù hợp với luật pháp cũng như án lệ quốc tế.
Giáo sư Monique Chemillier Gendreau, Đại học Paris 7, cho rằng: “Luật pháp quốc tế ngày nay quy định một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền trên một hòn đảo nếu họ tìm ra hòn đảo đó, có mặt thường trực và lâu dài, đồng thời có một hệ thống quản lý hành chính tại đó. Căn cứ vào đó thì những luận cứ của Trung Quốc dựa vào nguồn tài liệu lịch sử hay văn chương không có tính pháp lý; luật pháp quốc tế đòi hỏi những chứng cứ xác thực. Trong khi đó, phía Việt nam có được những bằng chứng cho thấy: dưới thời An Nam, từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 khi Pháp đô hộ, chính quyền thời đó ở Việt Nam đã có những đơn vị quản lý của chính quyền với vai trò quản lý hành chính đối với Hoàng Sa. Chính quyền ở Việt Nam đã có sự quản lý, khai thác tài nguyên, có đánh cá, và cả nghề thu thập tài sản từ xác các con tàu bị đắm. Và quan trọng là sự quản lý đó của thời An Nam không gặp phải sự phản đối nào của các quốc gia trong khu vực. Sau đó là Pháp tiếp quản chủ quyền từ An Nam và sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền miền Nam Việt Nam tiếp quản chủ quyền đó một cách hợp pháp. Về Trường Sa, thì có những tài liệu của Pháp cho thấy vào những năm 1930, chính quyền Trung Quốc còn nhầm lẫn về quần đảo này và không nêu trong bản đồ quốc gia.”
Các chuyên gia cũng phân tích chi tiết các cụm từ do Trung Quốc đưa ra như “vùng nước liền kề” hay “vùng nước lịch sử”, khẳng định những cụm từ đó không xuất hiện trong các hiệp định quốc tế (trong đó có cả Tuyên bố Vịnh Montego năm 1982 mà Trung Quốc có tham gia ký kết), do đó những cụm từ này không có tính pháp lý.
Ý kiến chung của các học giả là các bên liên quan cũng như các nước lớn bên ngoài như Mỹ, Pháp nên đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình thương lượng để tìm giải pháp cho căng thẳng trên biển Đông, một vấn đề quốc tế chung chứ không chỉ của riêng các nước trong khu vực.