Hội thảo nhằm đánh giá lại tình hình, kết quả hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua, nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống buôn bán người thông qua lao động di cư, chính sách pháp luật trong việc đảm bảo quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời thảo luận, đưa ra những giải pháp đảm bảo quyền của người lao động di cư trong thời gian tới.
Tham luận tại Hội thảo đều khẳng định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc. Điều này đã được ghi nhận trong điều 23 Hiến pháp Việt Nam. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Huyền |
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước khẳng định: "Trong thời gian qua, hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông, báo chí quan tâm, hợp tác tuyên truyền các chính sách pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ở ngoài nước. Qua đó, nâng cao nhận thức của xã hội và người lao động."
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đề xuất thời gian tới tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thúc đẩy hợp tác quốc tế, chú trọng khai thác thị trường lao động có điều kiện làm việc tốt, an toàn; tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.