Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối - Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN |
Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ. Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong Báo cáo Triển vọng châu Á 2022 phần cập nhật tổng quan kinh tế Việt Nam và triển vọng năm 2022 – 2023 công bố ngày 06/04.
Tại buổi công bố báo cáo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, phân tích: "Hầu hết các chỉ số kinh tế của Việt Nam vừa được công bố cho thấy sự phục hồi. Trong bối cảnh hiện nay, dự báo tăng trưởng kinh tế của ADB đối với Việt Nam tương đối tích cực. Điều này dựa trên một số lý do như: Thứ nhất là do sự phục hồi của ngành công nghiệp, đặc biệt là chế biến chế tạo với việc sự phục hồi của lao động và sự phục hồi của doanh nghiệp tương đối mạnh mẽ. Thứ 2 là thương mại – đầu tư; thương mại vẫn tiếp tục tăng trưởng; xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Động lực tăng trưởng quan trọng tiếp theo là những biện pháp, chính sách kích thích tài chính – tiền tệ trong gói phục hồi và phát triển kinh tế đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 01/2022. Gói hỗ trợ được hy vọng là sẽ tiếp tục kích thích sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 và 2023".
Theo đánh giá của ADB, tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022; sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5%; lạm phát của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023. Cùng với đó, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam, do đó, dự báo xuất hẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng 8 – 10% trong năm nay.